Vì sao các hãng xe ô tô Nhật Bản lại bền bỉ, lại được ưa chuộng tại Việt Nam? So sánh với xe Hàn, Mỹ, châu Âu… thì xe Nhật có ưu điểm gì?
Nhật Bản là một trong những “cường quốc ô tô” mạnh nhất thế giới. Trước Chiến tranh thế giới thứ 2, ngành sản xuất ô tô ở Nhật đã có nhiều bước tiến mạnh mẽ. Sau chiến tranh, từ những năm 1960, ngành ô tô tiếp tục được ưu tiên đầu tư phát triển.
Thị phần của Nhật trong thị trường ô tô thế giới liên tục tăng, năm 1965 là 3,6%, năm 1975 là 17,9% và hiện tại chiếm khoảng 30%. Nhật Bản là quê hương của 6 trong tổng số 15 nhà sản xuất ô tô lớn nhất thế giới.
Nội dung chính
Vì sao xe Nhật được ưa chuộng?
Các hãng xe ô tô của Nhật hiện là chiếm thị phần lớn nhất trên thị trường ô tô thế giới.
Ưu điểm xe ô tô Nhật
Giá trị thương hiệu cao
Nhật Bản là một trong những “cường quốc ô tô” lâu đời và lớn nhất trên thế giới. Nhật Bản có đến 6 trên tổng số 15 thương hiệu ô tô lớn nhất toàn cầu. Đây chính là yếu tố giúp xe ô tô Nhật tạo được sức hút mạnh mẽ.
Nhật Bản có đến 6 trên tổng số 15 thương hiệu ô tô lớn nhất toàn cầu
Bền bỉ, ổn định, độ tin cậy cao
Với khẩu hiệu “Chất lượng gắn liền với danh dự quốc gia”, chất lượng luôn là tiêu chí mà các nhà sản xuất Nhật Bản đề cao hàng đầu. Chính chất lượng là yếu tố quan trọng góp phần tạo nên sự thành công vang dội cho ngành công nghiệp ô tô Nhật. Hiện nay, chất lượng dường như đã gắn liền với hình ảnh của các dòng xe ô tô Nhật.
Chất lượng, độ bền là một trong những lý do vì sao xe Nhật được chuộng không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới. Khi nói đến xe ô tô bền, người ta sẽ nghĩ ngay đến xe Nhật. Sự bền bỉ của xe Nhật đã được cả thế giới công nhận. Thậm chí ở Việt Nam, nhiều người còn dùng cụm từ “nồi đồng cối đá” để mô tả độ bền của xe ô tô Nhật. Chỉ cần là xe thương hiệu Nhật, dù nhập khẩu nguyên chiếc hay lắp ráp trong nước đều được đánh giá cao.
Khi chọn xe oto Nhật, người mua có được sự tin cậy và an tâm rất lớn. Đây không phải là điều mà hãng xe nào cũng có. Xe Nhật chất lượng không chỉ ở động cơ, hộp số mà còn ở cả hệ thống khung gầm, hệ thống treo cùng nhiều bộ phận khác. Tại Việt Nam, ô tô không chỉ là một phương tiện mà còn là một tài sản có giá trị. Do đó, yếu tố bền bỉ thường được đề cao. Đây cũng chính là nguyên nhân tại sao người Việt thích xe của Nhật.
Xe ô tô Nhật nổi tiếng với chất lượng, bền bỉ và độ ổn định cao
Vận hành chắc chắn và an toàn
Tính an toàn luôn là yếu tố được các hãng xe ô tô Nhật chú trọng. Hệ thống khung gầm và hệ thống an toàn thường được đầu tư nhiều. Điều này mang đến cho xe hơi Nhật khả năng vận hành đằm chắc, ổn định và an toàn cao. Rất nhiều mẫu xe Nhật đạt chuẩn an toàn 4 – 5 sao ASEAN NCAP hay EURO NCAP.
Nhiên liệu tiết kiệm, chi phí vận hành bình dân
Chi phí sử dụng bình dân là thế mạnh nổi bật đặc trưng của xe ô tô Nhật. Xe Nhật thường ưu tiên sử dụng động cơ dung tích nhỏ hoặc vừa phải để tối ưu mức tiêu thụ nhiên liệu cũng như tính kinh tế nói chung. Song song đó, các hãng xe Nhật thường cải tiến công nghệ động cơ, tối ưu hộp số, giảm trọng lượng khung gầm… nhằm giúp mẫu xe của mình đạt được mức tiêu hao nhiên liệu tiết kiệm nhất.
Các khoản chi phí duy trì vận hành của xe ô tô Nhật cũng ở mức “mềm”. Tiền bảo dưỡng, giá phụ tùng linh kiện xe Nhật thấp hơn nhiều so với xe châu Âu.
Các hãng xe hơi Nhật đều chú trọng khả năng tiết kiệm nhiên liệu
Chính sách bán hàng, hậu mãi tốt
Các hãng xe ô tô của Nhật Bản không chỉ chú trọng về chất lượng sản phẩm mà còn quan tâm đến chất lượng dịch vụ. Đa phần người dùng đều đánh giá cao chất lượng dịch vụ bán hàng, sau bán hàng như chăm sóc khách hàng, bảo hành, bảo dưỡng… của các hãng oto của Nhật.
Tinh thần trách nhiệm cao
Vì với người Nhật “Chất lượng gắn liền với danh dự quốc gia”, gắn liền với lòng tự tôn dân tộc nên tinh thần trách nhiệm của các hãng xe Nhật rất cao. Điều này thể hiện rõ qua cách các hãng xe Nhật xử lý những sự cố lỗi xe. Nếu phát hiện xe bị lỗi trong quá trình sản xuất, các hãng ô tô Nhật thường sẽ nhanh chóng mở các đợt triệu hồi để khắc phục, nhằm đảm bảo quyền lợi và sự an toàn cao nhất cho khách hàng của mình.
Mức độ phổ biến cao
Xe Nhật có độ phổ biến rất cao ở Việt Nam. Có mặt ở nước ta từ rất sớm, hệ thống cơ sở vật chất, mạng lưới đại lý của các hãng xe hơi Nhật phát triển mạnh hơn nhiều hãng khác. Điều này mang đến nhiều sự thuận tiện cho người dùng khi mua xe cũng như bảo hành, bảo dưỡng, sửa chữa xe.
Mạng lưới đại lý của các hãng xe Nhật hiện phát triển mạnh hơn nhiều hãng khác
Giữ giá tốt, xe cũ dễ bán lại
Nổi tiếng với độ bền bỉ cao, chi phí sử dụng bình dân… xe Nhật không chỉ được ưa chuộng ở thị trường ô tô mới mà còn rất đắt hàng ở thị trường ô tô cũ. Xe Nhật là xe giữ giá tốt nhất hiện nay cũng là xe dễ bán lại nhất. Bởi mua xe mới người ta có thể chọn nhiều hãng khác, nhưng nếu mua xe ô tô cũ thì tâm lý chung vẫn ưu tiên xe Nhật hàng đầu.
Đi đầu trong công nghệ “xe xanh”
Các hãng ô tô Nhật đi đầu trong lĩnh vực phát triển công nghệ “xe xanh”, có thế mạnh lớn về xe điện hybrid, xe chạy bằng pin nhiên liệu hydro. Toyota Nhật Bản là công ty có doanh số bán xe hybrid lớn nhất thế giới.
Nhược điểm xe ô tô Nhật
Thiết kế còn khá bảo thủ
Các hãng xe hơi Nhật Bản thường khá bảo thủ trong thiết kế, đặc biệt là khi so với sự đầu tư, trau chuốt bóng bẩy của xe Hàn. Đa phần xe Nhật theo phong cách trung tính, ưa nhìn. Điều này giúp xe Nhật bền dáng, phù hợp với đa dạng nhóm khách hàng khác nhau, nhưng lại không thực sự ấn tượng hay đặc sắc. Đây được xem là một nhược điểm lớn ở xe Nhật. Bởi theo xu hướng chung hiện nay, người mua bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến thiết kế.
Thiết kế các mẫu xe ô tô của Nhật thường không được đánh giá cao
Tuy nhiên, những năm gần đây không ít hãng xe hơi Nhật Bản cũng đã dần dần cải tiến, thay đổi ngôn ngữ thiết kế của mình nhằm tăng tính hấp dẫn và cạnh tranh hơn trên thị trường.
Trang bị còn hạn chế
Xe ô tô Nhật thường sẽ không sở hữu nhiều tính năng hỗ trợ lái, trang bị tiện nghi, hệ thống an toàn hiện đại…bằng xe Hàn, xe Mỹ cùng phân khúc. Trong trường hợp xe Nhật sở hữu hệ thống trang bị ngang ngửa với xe khác thì giá bán cũng sẽ thường cao hơn khá nhiều.
—
Có thể thấy, điểm mạnh của xe Nhật chính là tính thực tế. Xe Nhật bền bỉ, tiết kiệm nhiên liệu, chi phí bảo dưỡng bình dân, giữ giá tốt… đem đến tính kinh tế cao. Bên cạnh đó, xe cũng bền dáng, rộng rãi, dễ sử dụng, phù hợp với đại đa số người dùng… rất tiện dụng.
Điểm mạnh của xe Nhật là tính thực tế, đổi lại điểm hạn chế của xe Nhật chính là các yếu tố về mặt thẩm mỹ và cảm xúc. Với phân khúc xe phổ thông giá rẻ, người ta sẽ khó tìm được thiết kế bóng bẩy, trang bị hiện đại hay khối động cơ khủng… trên những chiếc ô tô của Nhật.
Vì thế, nếu muốn tìm một mẫu xe cá tính, nổi trội hay giá bán cạnh tranh thì xe Nhật sẽ hiếm khi phù hợp. Tuy nhiên nếu muốn có một chiếc ô tô an toàn, ổn định, kinh tế thì xe Nhật là lựa chọn tốt hàng đầu.
Với phần đông người dùng, ô tô là một tài sản lớn, các yếu tố chất lượng, tiện dụng, kinh tế… sẽ thường là tiêu chí quan trọng. Do đó, đây chính là lý do vì sao người Việt thích xe Nhật.
Các hãng xe ô tô của Nhật Bản tại Việt Nam
Toyota & Lexus
Toyota Nhật Bản là nhà sản xuất ô tô lớn nhất thế giới với thị phần chiếm hơn 10% thị trường toàn cầu. Toyota là một trong 10 công ty có doanh thu cao nhất, cũng là công ty dẫn đầu về doanh số bán xe ô tô điện hybrid. Hiện tại, tập đoàn ô tô Toyota sở hữu 5 thương hiệu bao gồm Toyota, Hino, Lexus, Ranz và Daihatsu. Toyota cũng nằm giữ cổ phần của nhiều hãng ô tô lớn khác như Subaru, Isuzu, Mazda…
Toyota Nhật Bản là nhà sản xuất ô tô lớn nhất thế giới với thị phần chiếm hơn 10% thị trường toàn cầu
Toyota được thành lập vào năm 1937 bởi cha con Toyoda Sakichi và Toyoda Kiichiro. Trụ sở chính hiện đặt tại Aichi, Nhật Bản.
Các mẫu xe Toyota được phân phối chính thức tại thị trường Việt Nam: Wigo, Yaris, Vios, Corolla Altis, Camry, Raize, Corolla Cross, Avanza Premio, Veloz Cross, Rush, Innova, Fortuner, Hilux, Land Cruiser Prado, Land Cruiser, Alphard Luxury, Granvia và Hiace.
Xem thêm: Giá xe Toyota & khuyến mãi mới nhất
Honda
Honda Nhật Bản hiện là một trong 5 nhà sản xuất ô tô lớn nhất thế giới, chiếm hơn 5% thị phần toàn cầu, là nhà sản xuất động cơ lớn nhất. Honda là tập đoàn đa quốc gia, ngoài sản xuất ô tô còn sản xuất xe máy và thiết bị điện. Honda là công ty ô tô đầu tiên của Nhật Bản ra mắt thương hiệu xe hạng sang chuyên dụng – Acura vào năm 1986. Honda được thành lập vào năm 1948 bởi Soichiro Honda. Trụ sở chính hiện đặt tại Tokyo, Nhật Bản.
Honda Nhật Bản hiện là một trong 5 nhà sản xuất ô tô lớn nhất thế giới, chiếm hơn 5% thị phần toàn cầu
Các mẫu xe Honda được phân phối chính thức tại thị trường Việt Nam: Brio, City, Civic, Accord, HR-V và CR-V.
Xem thêm: Giá xe ô tô Honda & khuyến mãi mới nhất
Nissan
Nissan Nhật Bản là một trong 5 nhà sản xuất ô tô lớn nhất thế giới, chiếm hơn 5% thị phần toàn cầu. Nissan cùng với Toyota và Honda là 3 nhà sản xuất ô tô lớn nhất Nhật Bản, đều có mặt trong top 5 toàn cầu. Nissan là thương hiệu Nhật hàng đầu tại các quốc gia Trung Quốc, Nga, Mexico…
Hiện nay, Nissan đang sở hữu các thương hiệu Nissan, Infiniti và Datsun. Nissan cũng là một phần trong liên minh Renault (Pháp) – Nissan (Nhật) – Mitsubishi (Nhật) với quan hệ đối tác. Nissan cũng nắm giữ nhiều cổ phần kiểm soát của Mitsubishi. Nissan được thành lập từ năm 1914. Trụ sở chính hiện đặt tại Nishiku, Yokohama, Nhật Bản.
Nissan Nhật Bản là một trong 5 nhà sản xuất ô tô lớn nhất thế giới, chiếm hơn 5% thị phần toàn cầu
Xem thêm: Giá xe Nissan & khuyến mãi mới nhất
Suzuki
Suzuki Nhật Bản là một trong 15 nhà sản xuất ô tô lớn nhất thế giới. Ngoài sản xuất ô tô, Suzuki còn sản xuất xe máy, xe địa hình, xe tải, ổ đĩa bốn bánh, động cơ… Doanh số Suzuki đứng thứ 10 trên thế giới và thứ 3 tại Nhật Bản. Suzuki được thành lập vào năm 1909 bởi Michio Suzuki. Trụ sở chính hiện đặt tại Minamiku, Hamamatsu, Nhật Bản.
Suzuki Nhật Bản là một trong 15 nhà sản xuất ô tô lớn nhất thế giới
Xem thêm: Giá xe Suzuki & khuyến mãi mới nhất
Mitsubishi
Mitsubishi là một tập đoàn công nghiệp hàng đầu của Nhật Bản. Mitsubishi Motors Corporation trực thuộc Mitsubishi là một trong 15 nhà sản xuất ô tô lớn nhất thế giới. Mitsubishi Motors Corporation hiện nằm trong Liên minh Ranault – Nissan – Mitsubishi. Mitsubishi được thành lập vào năm 1870 bởi Iwasaki Yataro. Trụ sở chính của Mitsubishi Motors Corporation đặt tại Minato, Tokyo, Nhật Bản.
Mitsubishi là một tập đoàn công nghiệp hàng đầu của Nhật Bản
Các mẫu xe Mitsubishi được phân phối chính thức tại thị trường Việt Nam: Attrage, Xpander, Outlander, Pajero Sport và Triton.
Xem thêm: Giá xe Mitsubishi & khuyến mãi mới nhất
Mazda
Mazda là một trong 15 nhà sản xuất ô tô lớn nhất thế giới. Mazda được thành lập vào năm 1920 bởi Jujiro Matsuda. Trụ sở chính hiện đặt tại Fuchu, Aki, Hiroshima, Nhật Bản.
Mazda là một trong 15 nhà sản xuất ô tô lớn nhất thế giới
Các mẫu xe Mazda được phân phối chính thức tại thị trường Việt Nam: Mazda 2, Mazda 3, Mazda 6, Mazda CX-3, Mazda CX-30, Mazda CX-5, Mazda CX-8 và Mazda BT-50.
Xem thêm: Giá xe Mazda & khuyến mãi mới nhất
Subaru
Subaru là một bộ phận sản xuất ô tô của tập đoàn vận tải Fuji Heavy Industries (FHI) – một trong 15 nhà sản xuất ô tô lớn nhất thế giới. Công ty được thành lập vào năm 1953 bởi Kenji Kita. Trụ sở chính hiện đặt tại Ebisu, Tokyo, Nhật Bản.
Subaru là một bộ phận sản xuất ô tô của tập đoàn vận tải Fuji Heavy Industries
Các mẫu xe Subaru được phân phối chính thức tại thị trường Việt Nam: Outback, Forester, WRX STI.
Xem thêm: Giá xe Subaru & khuyến mãi mới nhất
Isuzu
Isuzu là một trong những nhà sản xuất xe và động cơ dầu Diesel lớn nhất Nhật Bản. Ở mảng sản xuất xe, ngoài xe ô tô con, Isuzu còn sản xuất xe tải, xe buýt, xe quân sự, xe đua… Isuzu có một số công ty con liên doanh với nhiều quốc gia như Anadolu Isuzu (Thổ Nhĩ Kỳ), Sollers Isuzu (Nga), SML Isuzu (Ấn Độ) Công ty Isuzu được thành lập vào năm 1937. Trụ sở chính hiện đặt tại Tokyo, Nhật Bản
Isuzu là một trong những nhà sản xuất xe và động cơ dầu Diesel lớn nhất Nhật Bản
Các mẫu xe Isuzu được phân phối chính thức tại thị trường Việt Nam: D-max và mu-X.
So sánh xe Nhật với xe Hàn, Mỹ, châu Âu
So sánh xe Nhật và xe Hàn
Ngàng công nghiệp ô tô Hàn Quốc tuy không lớn mạnh bằng Nhật Bản nhưng lại có nhiều bước bứt phá mạnh mẽ trong nhiều năm trở lại đây.
So sánh xe Nhật và xe Hàn, xe ô tô Hàn có 3 thế mạnh nổi trội là thiết kế – trang bị – giá bán. Thiết kế xe Hàn được trau chuốt từ ngoại hình đến nội thất, luôn cho cảm giác rất đẹp mã, trẻ trung. Hệ thống trang bị của xe Hàn cũng luôn dẫn đầu phân khúc, nhiều mẫu xe hạng C hay hạng D còn có nhiều tính năng trên xe hạng sang. Trong khi đó giá xe Hàn rất cạnh tranh, thường thấp hơn so với xe Nhật cùng phân khúc.
So sánh xe Nhật và xe Hàn, xe ô tô Hàn có 3 thế mạnh nổi trội là thiết kế – trang bị – giá bán
Còn với xe ô tô Nhật, như đã phân tích ở trên, chất lượng, độ tin cậy và tính kinh tế chính là điểm mạnh của xe Nhật. Dù hiện nay việc so sánh chất lượng xe Hàn và xe Nhật không còn nặng nề như trước nhưng nhiều người vẫn đánh giá cao xe Nhật về chất lượng, độ bền và độ tin cậy.
Nên mua xe Hàn hay xe Nhật sẽ tuỳ vào tiêu chí mà người mua quan tâm. Nếu đề cao mẫu mã, option, giá bán… thì nên chọn xe Hàn. Còn nếu chú trọng thương hiệu, chất lượng, độ tin cậy, giá trị bán lại về sau… thì xe Nhật sẽ đáp ứng tốt hơn.
So sánh xe Nhật và xe Mỹ
Nói về xe ô tô Mỹ người ta sẽ thường nghĩ ngay đến động cơ mạnh mẽ, thiết kế cơ bắp và chất nam tính đặc trưng. Xe Nhật và xe Mỹ không đối chọi rõ rệt trên cùng một “trường đấu” như xe Nhật và xe Hàn mà lại đi theo hai hướng khác nhau.
Xe Mỹ mang một phong cách riêng. Thiết kế xe Mỹ thường đồ sộ, cơ bắp, hầm hố, còn xe Nhật lại trung tính, hài hoà, thanh lịch. Sự đồ sộ của Mỹ không chỉ ở thiết kế mà còn ở hệ thống khung gầm cứng cáp, thân vỏ chắc chắn.
Xe ô tô Mỹ mang phong cách mạnh mẽ, cơ bắp và hấm hố
Các mẫu xe Mỹ thường được trang bị động cơ khủng, cho hiệu suất mạnh mẽ bậc nhất. Trong khi đó, điều này thường không phải là thế mạnh của xe Nhật. Bởi điểm xe Nhật chú trọng chủ yếu là tính thực tế. Xe Nhật sẽ ưu tiên một khối động cơ đủ dùng, đảm bảo vận hành tốt và tiết kiệm nhiên liệu hơn là một khối động cơ mạnh mẽ.
Nên mua xe Nhật hay xe Mỹ sẽ tuỳ vào phong cách người mua. Nếu thích sự hầm hố, cơ bắp, mạnh mẽ thì rõ ràng xe Mỹ là lựa chọn hàng đầu. Còn nếu ưa sự thanh lịch, nhẹ nhàng, kinh tế và nhất là chú trọng thương hiệu thì xe Nhật sẽ phù hợp hơn.
So sánh xe Nhật và xe châu Âu
Khi nói đến xe châu Âu, người ta sẽ dễ liên tưởng ngay đến sự sang trọng, cao cấp và đắt đỏ. Chính điểm này cũng tạo nên khác biệt lớn với xe Nhật.
Cũng đề cao chất lượng như xe Nhật nhưng xe châu Âu lại hướng đến một tầm đẳng cấp cao hơn. Với xe Nhật, chất lượng ở tầm thực tế. Còn xe châu Âu không quan tâm nhiều đến tính thực tế, cái họ muốn có là sự phi thực tế nhất, luôn luôn bứt phá mọi giới hạn. Đó là lý do vì sao xe châu Âu luôn dẫn đầu về các công nghệ, trang bị. Họ chấp nhận đưa ra mức giá bán đắt đỏ để mang đến cho người dùng những thiết kế xa hoa nhất, những công nghệ tối tân nhất.
Xe ô tô châu Âu luôn bứt phá mọi giới hạn từ thiết kế, công nghệ đến vận hành
Nếu quan tâm đến tính thực tế thì rõ ràng xe Nhật đáp ứng rất tốt. Còn nếu quan tâm đến trải nghiệm, đến sự sang trọng ở đẳng cấp cao thì xe châu Âu luôn là lựa chọn thoả mãn người mua.
Vũ Phạm
Câu hỏi thường gặp về các hãng xe hơi Nhật
📌 Xếp hạng các hãng ô tô Nhật Bản, hãng nào lớn nhất?
Trả lời: Về doanh thu và sản lượng, trong các hãng ô tô Nhật, Toyota là cao nhất, tiếp đến là Honda và Nissan. Tiếp sau là Suzuki, Mitsubishi, Mazda 6, Subaru, Isuzu…
📌 Người Nhật chuộng xe ô tô gì nhất?
Trả lời: Theo thống kê mới nhất ở Nhật, các hãng xe ô tô được ưa chuộng nhất ở Nhật theo thứ tự cao đến thấp lần lượt là Toyota, Suzuki, Honda, Nissan, Mazda, Subaru, Mitsubishi, Isuzu, Mercedes, Volkswagen, BMW, Lexus…
📌 Hãng xe Nhật nào tốt nhất?
Trả lời: Theo tổ chức Consumer Reports, Lexus được thương hiệu ô tô bền nhất thế giới hiện nay. Lexus là một thương hiệu xe sang của tập đoàn Toyota Nhật Bản.
📌 Mazda của Nhật hay Hàn?
Trả lời: Mazda là hãng ô tô của Nhật Bản.
📌 Xe ô tô nội địa Nhật JDM là gì?
Trả lời: JDM là từ viết tắt từ Janpanese Domestic Market – một thuật ngữ chỉ những hàng tiêu dùng nội địa Nhật, trong đó có ô tô. Thời hoàng kim của xe JDM là vào những năm 90. Khi này xe hiệu năng cao ở Nhật Bản phát triển rất mạnh. Nên việc mua và chơi xe nội địa Nhật cũ trở thành trào lưu lớn ở nhiều nước trên thế giới.
Tại Việt Nam, xe JDM chưa thực sự phổ biến, lượng người chơi còn khá ít. Một phần do luật cấm nhập xe cũ có tuổi đời hơn 5 năm. Hầu hết các xe nội địa Nhật cũ, xe JDM tại Việt Nam hiện được nhập khẩu qua đại lý tư nhân.
Comments