Nội dung chính
Chuyển làn sai là một trong những lỗi phổ biến nhất. Làm sao để chuyển làn đúng luật, vừa đảm bảo an toàn, lại không bị thổi phạt?
Chuyển làn như thế nào là đúng?
Khoản 7 Điều 3 Luật Giao thông đường bộ đã định nghĩa cụ thể về vai trò của làn đường. Theo Luật giao thông thì làn đường là một phần của phần đường xe chạy và được chia theo chiều dọc của đường, có bề rộng đủ cho xe di chuyển an toàn. Ngoài ra, khoản 1 Điều 9 Luật Giao thông đường bộ quy định rằng người tham gia giao thông phải chấp hành việc đi bên phải theo chiều đi của mình, đặc biệt là phải lưu ý đi đúng làn đường, phần đường quy định và phải tuân thủ hệ thống báo hiệu đường bộ.
Sai làn đường sẽ bị xử phạt theo qui định
Cụ thể hơn, người tham gia giao thông phải chấp hành như sau:
Nếu phương tiện đang di chuyển trên đường có nhiều làn đường khác nhau và các làn đường này cùng chiều, giữa các làn là những vạch kẻ để phân chia làn đường thì người điều khiển phương tiện phải cho xe đi trong một làn đường. Người lái xe chỉ được chuyển làn đường ở những nơi cho phép, khi chuyển làn đường phải có tín hiệu báo trước như xi nhan và còi. Người lái xe phải bảo đảm an toàn cho xe của mình và các phương tiện đang tham gia giao thông khác thì mới được chuyển làn.
Đường một chiều và có vạch kẻ phân làn đường thì thứ tự di chuyển của các xe trên đường được qui định như sau: xe thô sơ phải đi trên làn đường bên phải trong cùng, xe cơ giới, xe máy chuyên dùng đi trên làn đường bên trái. Ngoài ra còn có qui định phương tiện tham gia giao thông đường bộ di chuyển với tốc độ thấp hơn phải đi về bên phải.
Như vậy, để chuyển làn đúng luật, người lái xe cần lưu ý hai vấn đề chính. Một là luôn luôn ghi nhớ việc phải có tín hiệu báo trước khi muốn chuyển làn, hai là chỉ được chuyển làn ở những nơi được phép. Lưu ý là người lái xe phải giảm dần tốc độ khi đang chuẩn bị chuyển làn để tránh gây bất ngờ cho những phương tiện đang cùng di chuyển.
Làn đường được phân chia cụ thể
Trong trường hợp, tại các tuyến đường có phân làn đường dành cho từng loại phương tiện, nếu có chướng ngại vật xuất hiện khiến người lái xe không thể tiếp tục cho xe di chuyển trên làn đường đã qui định được nữa, thì người lái xe được phép chuyển làn đường để vượt chướng ngại vật đó. Tuy nhiên vẫn phải lưu ý cần quan sát kĩ trước vượt, sử dụng xi nhan và còi để chuyển làn, sau khi vượt phải điều khiển phương tiện di chuyển trở lại làn đường đúng qui định.
Ngoài các biển báo chỉ dẫn làn, vạch kẻ đường cũng là một trong những yếu tố người lái xe cần chú ý khi tiến hành chuyển làn. Vạch kẻ đường được định nghĩa là một dạng báo hiệu để hướng dẫn, điều khiển giao thông nhằm nâng cao an toàn và khả năng thông xe, trong đó có báo hiệu về làn đường. Do đó, người tham gia giao thông phải có trách nhiệm chấp hành vạch kẻ đường. Vạch kẻ đường chia làm 2 loại: vạch nằm ngang và vạch nằm đứng.
Để phân chia làn đường thì người ta thường sử dụng những vạch sau:
Vạch dọc đứt quãng: vạch này dùng để phân chia làn cho xe cơ giới; phân chia phần đường được phép di chuyển cho xe thô sơ và xe cơ giới. Những vạch dọc đứt quãng này góp phần giúp người lái xe phân biệt được các làn đường và giữ cho xe di chuyển trong đúng làn đường cần thiết.
Vạch dọc liền là loại vạch dùng để cấm các loại xe cộ (cơ giới và thô sơ) không được vượt quá hoặc đè lên vạch đó. Nghĩa là nếu vượt quá hay đè lên vạch này thì người lái xe sẽ bị xử phạt. Vạch dọc liền dùng để phân kia đường thành 2 chiều (đi và về) và để phân chia phần đường dành cho xe thô sơ với xe cơ giới. Đối với những con đường có loại vạch này, người lái xe cần chú ý không được để chèn vạch. Ngoài ra, cần chú ý các biển cấm quay đầu xe vì đôi khi ở đường hai chiều, người lái xe muốn quay lại nhưng không cẩn thận đã quay xe ở vị trí cấm.
Hai loại vạch kẻ đường thông dụng
Mức xử phạt khi chuyển làn không đúng luật là bao nhiêu?
Chuyển làn không đúng với qui định của pháp luật có thể khiến người điều khiển ô tô phải chịu mức phạt hành chính lên tới từ 300 đến 400 ngàn đồng. Ngoài ra, người lái xe sẽ bị giữ bằng lái xe nếu chuyển làn sai luật và gây ra tai nạn giao thông. Con số này lên tới 800 ngàn đến 1 triệu đồng nếu người lái xe chuyển làn đường sai luật trên đường cao tốc. Không chỉ vậy, nếu người lái xe chuyển làn sai qui định và gây tai nạn giao thông sẽ bị giữ giấy phép lái xe.
Ngoài ra, người điều khiển phương tiện giao thông là xe mô tô sẽ, xe máy sẽ bị phạt tiền từ 80.000 đồng đến 100.000 đồng nếu chuyển làn đường không đúng luật. Đối với máy kéo, xe máy chuyên dùng thì người điều khiển chuyển phương tiện chuyển làn đường không đúng nơi được phép trên đường cao tốc thì bị phạt 400.000 đồng đến 600.000 đồng.
Minh Duyên
Commentaires