top of page

Độ đèn ô tô, kinh nghiệm độ LED, Bi Xenon, Laser cho đèn pha, gầm, mí

Ảnh của tác giả: Tây Ninh mitsubishiTây Ninh mitsubishi


Nội dung chính

  1. Có nên độ đèn xe ô tô?

  2. Đèn Halogen ô tô

  3. Cấu tạo đèn Halogen

  4. Ưu nhược điểm đèn Halogen

  5. Độ đèn xe Halogen

  6. Đèn LED ô tô

  7. Cấu tạo đèn LED

  8. Ưu nhược điểm đèn LED

  9. Độ đèn LED

  10. Các loại chip LED

  11. Các loại đèn LED

  12. Đèn Bi LED ô tô

  13. Đèn Xenon ô tô (HID)

  14. Cấu tạo đèn Xenon

  15. Ưu nhược điểm đèn Xenon

  16. Độ đèn Xenon

  17. Đèn Bi Xenon ô tô

  18. Đèn Laser ô tô

  19. Cấu tạo đèn Laser

  20. Ưu nhược điểm đèn Laser

  21. Độ đèn Laser

  22. Độ đèn pha ô tô

  23. Cấu tạo đèn pha

  24. Các loại đèn pha

  25. Các kiểu độ đèn pha

  26. Độ đèn gầm ô tô

  27. Độ Bi LED gầm

  28. Độ Bi Xenon gầm siêu sáng

  29. Độ đèn mí mắt ô tô

  30. Các kiểu độ đèn mí

  31. Các loại đèn mí LED

  32. Độ đèn xi nhan ô tô

  33. Các kiểu độ đèn xi nhan

  34. Độ đèn hậu xe ô tô

  35. Các kiểu độ đèn hậu

  36. Độ đèn lùi ô tô

  37. Độ đèn tăng trợ sáng ô tô

  38. Độ đèn trần ô tô

  39. Các kiểu độ đèn trần

  40. Độ đèn nội thất ô tô

  41. Các kiểu độ đèn nội thất

  42. Kinh nghiệm độ đèn ô tô

  43. Độ đèn xe ô tô có bị phạt không

  44. Không nên tự độ đèn ô tô tại nhà

  45. Nên độ đèn ô tô ở đâu?

Có nên độ đèn xe ô tô?

 

“Độ” (tiếng Anh là Modification) là một từ chỉ sự sửa đổi khác đi so với thiết kế nguyên bản. Trong đô xe ô tô, người ta thường phân hai nhánh là “độ nội công” và “độ ngoại công”. Độ nội công sẽ tập trung thay đổi, nâng cấp hệ thống động cơ xe nhằm tăng hiệu suất vận hành. Còn độ ngoại công sẽ tập trung vào những trang bị trên xe như dán decal, độ mâm, độ loa, độ màn hìn, độ cửa hít… và đặc biệt là độ đèn xe.

Hệ thống chiếu sáng ô tô đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Bởi các đèn xe ô tô có tác dụng định vị, báo hiệu, chiếu sáng… giúp đảm bảo an toàn cho người dùng khi tham gia giao thông, nhất là trong những điều kiện thiếu sáng. Bên cạnh đó, ngày nay đèn xe hơi còn trở thành yếu tố ảnh hưởng rất lớn đến tính thẩm mỹ và vẻ sang trọng của xe.

Những dòng xe hơi phổ thông ngày nay dù luôn không ngừng được cải tiến nhưng để tối ưu giá bán nhà sản xuất bắt buộc phải cân đối nhiều phương diện. Do đó việc đầu tư vào hệ thống đèn xe cũng chỉ ở mức có hạn.

Hệ thống đèn ô tô các xe phổ thông thường bị đánh giá độ sáng chưa thực sự tốt, nhất là khi di chuyển ở điều kiện thiếu sáng nhiều. Mặt khác thiết kế đèn xe cũng ít được đầu tư trao chuốt. Vì thế nhiều chủ xe chọn giải pháp độ đèn ô tô.

Độ đèn giúp nâng cấp hệ thống ánh sáng của xe ô tô

Độ đèn giúp nâng cấp hệ thống ánh sáng của xe ô tô


Độ đèn giúp nâng cấp hệ thống ánh sáng của xe. Đèn xe sáng hơn, cho tầm nhìn tối ưu hơn. Song song đó, độ đèn còn được xem là giải pháp hay để thay đổi sắc diện của xe, “xế cưng” sẽ trông sang trọng hơn, thể thao hơn hay cá tính hơn.

Xem thêm:

  1. Có nên phủ gầm ô tô không?

  2. Những lưu ý khi phủ ceramic ô tô

  3. Phủ nano kính lái ô tô dùng được thời gian bao lâu?

Đèn Halogen ô tô

 

Đèn Halogen là bóng đèn sợi đốt nhưng nâng cấp với khí Halogen. Đây là loại đèn được sử dụng cho ô tô phổ biến nhất, tuy nhiên do có nhiều nhược điểm nên hiện nay đèn Halogen đang dần bị thay thế bởi đèn LED.

Đèn Halogen ô tô

Đèn Halogen ô tô


Cấu tạo đèn Halogen

Cấu tạo đèn Halogen bao gồm: dây tócVonfram (chất hiếm) đặt trong bầu thuỷ tin nhỏ. Bên trong chứa một số lượng khí Halogen nhỏ như Brom, Iot và hỗn hợp khí trơ. Những khí này khi gặp dây tóc Vonfram sẽ phản ứng hoá học giúp bổ sung thêm Vonfram cho dây tóc, từ đó duy trì độ trong suốt cũng như kéo dài tuổi thọ của bóng đèn.

Cấu tạo đèn Halogen ô tô

Cấu tạo đèn Halogen ô tô


Ưu nhược điểm đèn Halogen

Ưu điểm đèn Halogen là chi phí thấp, khả năng chiếu sáng đảm bảo. Tuổi thọ trung bình của đèn Halogen cao hơn đèn sợi đốt truyền thống, lên đến 1.000 giờ.

Nhược điểm đèn Halogen do sinh nhiệt cao nên hiệu suất chiếu sáng dễ bị ảnh hưởng nếu bị hơi ẩm. Quan trọng hơn, đèn hoạt động bằng sợi đốt nên phần lớn năng lượng thay vì chuyển hoá thành quang năng lại biến thành nhiệt năng nhiều hơn. Dây tóc phải cần nhiệt độ 2.500 độ C để phát sáng nên lượng nhiệt toả ra rất lớn. Điều này cũng làm ánh sáng của đèn Halogen bị giới hạn. Đây chính là lý do hiện nay các hãng sản xuất ô tô đang thay thế đèn Halogen bằng đèn LED cho khả năng chiếu sáng hiệu quả hơn lại tiết kiệm hơn.

Xem thêm:

  1. Kinh nghiệm dán film cách nhiệt ô tô

  2. Những lưu ý quan trọng khi đánh bóng ô tô & hiệu chỉnh sơn ô tô

  3. Trường hợp nào nên sơn dặm, sơn lại xe ô tô?

Độ đèn xe Halogen

Đèn xe Halogen là trang bị cơ bản trên xe ô tô hiện nay. Để nâng cấp tăng sáng cho đèn Halogen có thể thay loại bóng đèn Halogen tăng sáng ô tô. Đây là loại bóng đèn Halogen có khả năng tăng sáng gấp 1,1 đến 1,3 lần so với bóng Halogen thường. Giá đèn pha Halogen tăng sáng dao động 700.000 – 1 triệu đồng/cặp.

Để nâng cấp tăng sáng cho đèn Halogen có thể thay loại bóng đèn Halogen tăng sáng ô tô

Để nâng cấp tăng sáng cho đèn Halogen có thể thay loại bóng đèn Halogen tăng sáng ô tô


Cách thứ hai là thay thế đèn Halogen bằng những loại đèn khác công nghệ cao hơn, cho khả năng chiếu sáng tốt hơn, đặc biệt là thiết kế đẹp mắt hơn như đèn LED, Bi LED, Bi Xenon…

Ưu điểm đèn Halogen:

  1. Giá thành thấp

  2. Tuổi thọ cao

Nhược điểm đèn Halogen:

  1. Vùng chiếu sáng nhỏ

  2. Nhiệt lượng cao

  3. Yêu cầu cao về sửa chữa

Đèn LED ô tô

 

Đèn LED (viết tắt từ Light Emitting Diode) là loại đèn được phát triển dựa trên công nghệ chất bán dẫn. Đây là loại đèn rất được ưa chuộng hiện nay. Với nhiều ưu điểm về hiệu suất và thẩm mỹ, các nhà sản xuất ô tô phổ thông đang dần có xu hướng sử dụng đèn LED thay thế cho đèn Halogen.

Đèn LED ô tô rất được ưa chuộng hiện nay

Đèn LED ô tô rất được ưa chuộng hiện nay


Cấu tạo đèn LED

Đèn LED cấu tạo từ nhiều chip LED. Mỗi chip LED là một Diod (điốt) bán dẫn, cấu tạo gồm khối bán dẫn loại N ghép với khối bán dẫn loại P, nối với 2 chân ra Cathode và Anode, cho phép dòng điện đi qua một chiều.

Nguyên lý hoạt động của đèn LED dựa trên nguyên lý lỗ trống và điện tử tự do tạo nên sự chuyển động từ đó giải phóng năng lượng dạng quang năng. Một chip LED có kích thước nhỏ. Do đó với đèn ô tô người ta thường ghép nhiều chip LED với nhau tạo thành một cụm hay một dải đèn LED.

Đèn LED cấu tạo từ nhiều chip LED

Đèn LED cấu tạo từ nhiều chip LED


Ưu nhược điểm đèn LED

Đèn LED có nhiều ưu điểm. Dòng tiêu thụ nhỏ, toả nhiệt thấp hơn đèn Halogen. Đèn LED cung cấp ánh sáng định hướng (không phải dạng khuếch tán) do đó thường dùng làm đèn định vị. Tuổi thọ bền đèn LED cũng cao, có thể lên đến 50.000 giờ. Bóng LED cấu tạo nhỏ nên dễ dàng thiết kế, tạo hình trong bảng mạch. Khả năng thấp sáng của đèn LED cực nhanh (chỉ một phần vài triệu giây).

Nhược điểm đèn LED là rất nhạy cảm với nhiệt độ cao. Khi gặp nhiệt độ cao, đèn LED dễ bị hỏng. Do đó đèn LED cần bộ tản nhiệt để làm mát. Chi phí sản xuất và lắp đặt đèn LED cao hơn đèn Halogen. Đây cũng là lý do vì sao thường chỉ xe phổ thông phiên bản cao cấp mới được trang bị bóng đèn pha LED.

Độ đèn LED

Đèn LED hiện nay được sử dụng nhiều nhất trong nâng cấp tăng sáng cho đèn xe ô tô. Bởi cấu tạo Diot kích thước nhỏ nên dễ dàng thiết kế tạo nên những dải LED, cụm LED, khối LED tinh xảo, bắt mắt. Đặc điểm này cũng giúp đèn LED có thể ứng dụng linh hoạt ở nhiều vị trí khác nhau trong và ngoài xe ô tô như:

  1. Đèn pha LED

  2. Đèn hậu LED

  3. Đèn LED bar trợ sáng ô tô

  4. Đèn LED mí

  5. Đèn LED báo rẽ

  6. Đèn LED gầm

  7. Đèn LED trần xe

  8. Đèn LED nội thất xe

Đèn LED mí viền hốc đèn sương mù

Đèn LED được ứng dụng ở nhiều vị trí trên xe ô tô


Ưu điểm đèn LED:

  1. Tiết kiệm điện năng

  2. Nhiệt lượng thấp

  3. Ánh sáng định hướng

  4. Tuổi thọ cao

  5. Dễ dàng thiết kế, mẫu mã phong phú, bắt mắt, sang trọng

  6. Ứng dụng nhiều vị trí đèn trong và ngoài xe

  7. Khả năng thấp sáng cực nhanh

Nhược điểm đèn LED:

  1. Vùng chiếu sáng lớn hơn Halogen nhưng nhỏ hơn Xenon

  2. Với đèn pha, ánhnh sáng mạnh nên cần có Projector để giảm chói cho xe đối diện

  3. Nhạy cảm với nhiệt độ cao nên cần đầu tư bộ tản nhiệt

  4. Giá đèn LED cao cấp khá cao

Các loại chip LED

Một đèn LED được cấu tạo từ nhiều chip LED. Vì thế, chip LED đóng vai trò cực kỳ quan trọng, quyết định khả năng chiếu sáng, tuổi thọ và giá thành của đèn LED.

Phân loại theo công nghệ chip, hiện nay có 2 loại sử dụng phổ biến nhất cho đèn LED ô tô là chip LED COB và chip LED SMD.

Chip LED COB

Chip LED COB (Chip on Board) có 1 Diod lớn trên bảng mạch. Các loại đèn LED Trung Quốc giá rẻ thường sử dụng chip này.

  1. Kích thước Diod lớn, dễ lắp đặt, sửa chữa

  2. Chi phí sản xuất thấp

  3. Đổ bóng ít, gần giống với đèn truyền thống

  4. Giá thấp

Đèn pha LED ô tô sử dụng chip LED COB

Đèn pha LED ô tô sử dụng chip LED COB


Xem thêm:

  1. Dán cách âm xe hơi liệu có chống ồn hiệu quả?

  2. Bọc trần ô tô nỉ, da công nghiệp, da lộn, 5D, 6D… loại nào tốt nhất?

  3. Tư vấn bọc da ghế ô tô tốt và phù hợp nhất

Chip LED SMD

Chip SMD (Surface Mounted Diode) có nhiều Diod nhỏ trên bảng mạch (phổ biến thường 3 hoặc 4 Diod). Các loại chip LED của Luxeon của Philips hay Cree… thường dùng loại chip này.

  1. Kích thước Diod nhỏ hơn chip LED COB, yêu cầu cao về quy trình sản xuất

  2. Độ hoàn màu tốt hơn chip COB

  3. Đổ bóng nhiều lớp, các lớp chồng lên nhau do nhiều Diot trong 1 bảng mạch

  4. Tuổi thọ cao

  5. Khả năng thay đổi màu sắc tốt

  6. Sử dụng thiết kế đồ hoạ đèn LED tinh xảo, chi tiết

  7. Giá cao

Đèn pha LED ô tô sử dụng chip LED SMD

Đèn pha LED ô tô sử dụng chip LED SMD


Phân loại theo nguồn LED, hiện nay có các loại sử dụng phổ biến nhất cho đèn LED ô tô bao gồm: chip LED 12V, chip LED 24V…

Phân loại theo nhà sản xuất, hiện có các loại chip nổi tiếng như: chip LED Cree (Mỹ), chip CSP (Hàn Quốc), chip Luxeon (Philips – Hà Lan), chip Bridgelux (Mỹ), chip Epistar (Đài Loan)…

Các loại đèn LED

Trên thị trường hiện có các loại đèn LED sử dụng phổ biến như:

Đèn LED COB Trung Quốc

Trên thị trường hiện có nhiều dòng đèn LED giá rẻ đến từ Trung Quốc. Các loại này thường dùng chip COB. Ưu điểm là giá thành rẻ.

Nhược điểm của đèn LED COB Trung Quốc giá rẻ thường toả nhiệt lượng lớn. Nhưng phần đế tản nhiệt thường không đáp ứng được nên nhiệt lượng giải phóng chưa tốt, dễ khiến hiệu quả chiếu sáng của LED giảm dần. Đây là lý do khi sử dụng đèn LED chip COB Trung Quốc sẽ thấy đèn mờ dần theo thời gian, tuổi thọ thấp hơn các loại chip khác.

Một nhược điểm khác là chip LED COB thường có bản chip to nên độ chụm sáng không tốt, khiến ánh sáng phản xạ lại trên choá không chuẩn sáng, tán xạ nhiều. Đây là nguyên nhân nhiều trường hợp khi độ đèn pha LED C6 cho ô tô, đứng từ ngoài nhìn thấy rất sáng nhưng khi ngồi vào ghế lái thì độ sáng không nhiều.

Đèn LED COB Trung Quốc có ưu điểm giá rẻ

Đèn LED COB Trung Quốc có ưu điểm giá rẻ


Đèn LED COB Trung Quốc hiện nay được ưa chuộng nhất trên thị trường có thể kể đến LED C6 36W 3800LM 6000K. Theo nhiều người dùng đánh giá đèn LED C6, loại đèn này có giá rẻ (dưới 100.000 đồng/bóng), ánh sáng mạnh gấp 3 đèn Halogen thường, đèn tản nhiệt chạy quạt, có nhiều loại chân bóng (H1, H3, H4, H7, H11, H13…), phù hợp để dùng làm đèn pha ô tô.

Đặc điểm đèn LED COB Trung Quốc giá rẻ:

  1. Giá rẻ

  2. Độ chụm sáng không tốt, tán xạ nhiều

  3. Tuổi thọ không cao

Đèn LED Philips

Philips là một trong những hãng sản xuất thiết bị điện tử lớn nhất thế giới đến từ Hà Lan. Philip có dòng sản phẩm đèn LED ô tô LUXEON chip SMD rất nổi tiếng. Các mẫu đèn LED Philip, nhất là đèn pha LED được người độ xe ưa chuộng sử dụng nhiều.

Đèn LED Philip cho độ sáng tốt, tăng hơn 2,5 lần so với đèn truyền thống, giúp tầm nhìn mở rộng trong điều kiện lái xe thiếu sáng. Nhiệt độ màu cao, ánh sáng trắng mang đến cảm giác mát, dễ chịu. Đèn trang bị công nghệ quản lý nhiệt thông minh (AirFlux và Aird Cool) giúp tản nhiệt hiệu quả.

Đèn LED Philips ô tô có rất nhiều ưu điểm

Đèn LED Philips ô tô có rất nhiều ưu điểm


Đặc biệt, đèn LED Philip được đánh giá đạt được độ chụm sáng chính xác, đồng đều khi trang bị công nghệ SafeBeam. Khả năng chống bụi và nước đạt chuẩn IP65.

Nhược điểm bóng đèn LED ôtô Philips là giá bán cao. Giá bóng đèn pha Philips ô tô chính hãng dao động từ 2 – 8 triệu đồng/cặp. Giá đèn Philips báo rẽ dao động 500.000 – 800.000 đồng/cặp.

Đặc điểm đèn LED Philip:

  1. Độ sáng mạnh

  2. Ánh sáng trắng mát

  3. Độ chụm xác chính xác, đồng đều

  4. Hệ thống tản nhiệt thông minh

  5. Tuổi thọ cao

  6. Giá cao

Một số hãng đèn LED được ưa chuộng khác:

  1. Đèn LED Osram ô tô (Đức)

  2. Đèn LED Novsight ô tô (Việt Nam)

  3. Đèn LED GTR (Việt Nam)

Đèn Bi LED ô tô

 

Choá đèn ô tô giúp tạo nên sự phản xạ ánh sáng, từ đó giúp tăng phản chiếu ánh sáng cao hơn gấp nhiều lần so với nguồn sáng. Choá đèn cũng giúp tập trung ánh sáng. Nhờ choá đèn mà ánh sáng sẽ phản xạ đồng đều, luồng sáng phát ra tập trung và đi xa hơn.

Thấu kính gương cầu Projector (còn gọi là bi cầu) là một thấu kính hội tụ. Thấu kính gương cầu giúp biến đổi chùm sáng thành chùm tia phản xạ hội tụ, giúp ánh sáng tập trung hơn và đi xa hơn.

Đèn Bi LED là loại đèn LED được tích hợp sẵn choá mini bên trong và có thấu kính gương cầu (Projector).

Đèn Bi LED ô tô tích hợp sẵn choá mini bên trong và có bi cầu Projector

Đèn Bi LED ô tô tích hợp sẵn choá mini bên trong và có bi cầu Projector


Bản thân đèn LED chỉ có bóng đèn, đóng vai trò là nguồn sáng. Tuy nhiên bóng LED thường sáng hơn bóng Halogen, vì thế các chuyên gia không khuyến khích việc thay bóng LED cho bóng Halogen. Bởi choá truyền thống đi kèm với đèn Halogen sẽ tản xạ nguồn sáng khi thay đèn LED vào, dễ gây chói mắt người lái xe đối diện.

Việc thay bóng đèn Halogen bằng bóng LED chỉ nên áp dụng với xe đã có sẵn Projector. Trong trường hợp xe không có Projector (chỉ có bóng với choá thường), nếu muốn nâng cấp đèn LED nên sử dụng Bi LED. Bởi đèn Bi LED bản thân đã được thiết kế hoàn chỉnh bao gồm nguồn sáng là chip LED, choá mini cố định gắn phía sau, mặt đèn bao bọc bằng một mặt cầu thuỷ tinh (Projector), ánh sáng tập trung và không gây chói loá người lái xe ngược chiều.

Giá đèn pha Bi LED cao hơn đèn LED, dao động từ 8 – 14 triệu đồng/cặp. Nhưng bù lại đèn Bi LED có sẵn Projector đã được nhà sản xuất tính toán chuẩn xác các thông số. Đèn Bi LED thường được sử dụng để độ đèn pha, đèn gầm (đèn sương mù) trước.

Xem thêm:

  1. Nên mua camera ô tô nào tốt?

  2. Camera hành trình ô tô loại nào tốt?

  3. Kinh nghiệm lắp camera lùi ô tô tốt – bền – rẻ

Đèn Xenon ô tô (HID)

 

Đèn Xenon hay còn gọi là đèn HID (High Intensity Discharge) là một loại đèn cho ánh sáng cường độ cao hay còn gọi là đèn siêu sáng.

Đèn Xenon (đèn HID) cho ánh sáng cường độ cao

Đèn Xenon (đèn HID) cho ánh sáng cường độ cao


Cấu tạo đèn Xenon

Cấu tạo của đèn Xenon gồm 2 điện cực đặt trong một ống thuỷ tinh thạch anh chứa khí Xenon và muối kim loại. Khi dòng điện đi qua, 2 điện cực sẽ phóng điện, tia lửa sinh ra kích thích những phân tử khí Xenon phóng thích năng lượng, bức xạ ánh sáng.

Đèn Xenon cần một dòng điện lớn khoảng 23.000 V để khởi động nên đèn cần thêm bộ chấn lưu (Ballast) giúp kích sáng nhanh, sau đó là ổn định điện cho đèn.

Cấu tạo của đèn Xenon

Cấu tạo của đèn Xenon


Ưu nhược điểm đèn Xenon

Ưu điểm đèn Xenon là cường độ ánh sáng rất cao, lớn hơn gấp 3 đến 4 lần đèn Halogen, 1 đến 2 lần so với đèn LED. Nhiệt độ màu tương đương với nhiệt độ ánh sáng mặt trời. Đèn Xenon không có dây tóc nên không chịu ảnh hưởng, có tuổi thọ cao. Nếu so với đèn Halogen, đèn Xenon tiêu thụ ít điện năng hơn.

Nhược điểm đèn Xenon là chi phí sản xuất cao, bảo dưỡng phức tạp. Khả năng phát sáng của đèn Xenon cũng khá chậm, chậm hơn so với đèn LED, phải sau 3 – 5 giây đèn mới đạt được ánh sáng cao nhất. Ngoài ra do ánh sáng cường độ cao nên đôi khi việc lắp đèn Xenon trên xe ô tô dễ gây chói, khó chịu với xe hay người đi đường đối diện. Để khắc phục người ta sẽ lắp đèn Xenon đi chung với thấu kính gương cầu Projector (bi cầu).

Độ đèn Xenon

Do có cường độ ánh sáng mạnh nên đèn Xenon thường chỉ dùng để độ đèn pha ô tô, đèn gầm (đèn sương mù), không ứng dụng nhiều như đèn LED. Đèn Xenon cho cường độ ánh sáng lớn nên theo các chuyên gia khi độ đèn Xenon bắt buộc nên đi chung với Projector (bi cầu), không dùng choá truyền thống như Halogen.

Vì cường độ áng sáng quá cao nên khi độ đèn Xenon bắt buộc nên đi chung với bi cầu Projector

Vì cường độ áng sáng quá cao nên khi độ đèn Xenon bắt buộc nên đi chung với bi cầu Projector


Nếu xe đã có sẵn Projector như các xe bản cao cấp của Ford Ranger, Mazda 3… có thể thay thế đèn zin theo xe bằng bóng đèn Xenon. Giá bóng pha Xenon ô tô hiện dao động từ 2 – 8 triệu đồng/cặp đã kèm theo Ballast.

Trong trường hợp xe không có sẵn Projector như các dòng xe giá rẻ Hyundai i10, Kia Morning… nên độ luôn một bộ Bi Xenon.

Ưu điểm đèn Xenon:

  1. Ánh sáng mạnh, vùng chiếu sáng lớn hơn LED, Halogen…

  2. Tuổi thọ cao

  3. Tiêu thụ ít điện năng

Nhược điểm đèn Xenon:

  1. Khả năng thấp sáng chậm, cần có Ballast

  2. Ánh sáng mạnh nên cần có Projector để giảm chói cho xe đối diện

  3. Giá cao

Đèn Bi Xenon ô tô

 

Bi Xenon cũng có cấu tạo tương tự Bi LED nhưng nguồn sáng sẽ là đèn Xenon thay vì đèn LED. Một bộ đèn bi cầu Xenon sẽ có sẵn choá mini phía sau, tim đèn Xenon, thấu kính Projector phía trước và một bộ chuyển đổ pha/cos (nếu dùng chung). Khi có Projector, luồng sáng từ đèn Xenon sẽ tập trung, hạn chế gây chói loá cho người đi xe đối diện.

Bi Xenon có sẵn choá mini phía sau, tim đèn Xenon, thấu kính Projector phía trước và một bộ chuyển đổ pha/cos

Bi Xenon có sẵn choá mini phía sau, tim đèn Xenon, thấu kính Projector phía trước và một bộ chuyển đổ pha/cos


Các loại đèn Bi Xenon được ưa chuộng trên thị trường có thể kể đến:

  1. Đèn Bi Xenon GTR Việt Nam (Việt Nam)

  2. Đèn Bi Xenon Philips (Hà Lan)

  3. Đèn Bi Xenon Kenzo (Nhật)

  4. Đèn Bi Xenon Osram (Đức)

  5. Đèn Bi Xenon Hella (Đức)

  6. Đèn Bi Xenon Aozoom (Trung Quốc)

Giá đèn pha Bi Xenon ô tô hiện dao động từ 4 – 15 triệu đồng/cặp đã kèm theo Ballast.

Đèn Laser ô tô

 

Đèn Laser là loại đèn ô tô hiện đại nhất hiện nay. Đèn hoạt động theo nguyên lý khuếch đại ánh sáng bằng phát xạ kích thích.

Đèn Laser là loại đèn ô tô hiện đại nhất hiện nay

Đèn Laser là loại đèn ô tô hiện đại nhất hiện nay


Cấu tạo đèn Laser

Cấu tạo đèn Laser gồm: buồng cộng hưởng có hoạt chất Laser, hệ thống dẫn quang và nguồn nuôi. Hoạt chất Laser là một chất có khả năng khuếch đại ánh sáng bằng phát xạ cưỡng bức. Nguyên lý hoạt động của đèn Laser dựa vào việc các hạt photon va chạm liên tục vào hoạt chất laser tạo mật độ photon lớn. Cường độ chùm Laser khuếch đại gấp nhiều lần.

Bản thân tia Laser không có thể phát sáng tự nhiên nên người ta lắp thêm thấu kính chứa khí Phốtpho màu vàng. Khi tia Laser chiếu vào sẽ tạo nên ánh sáng màu trắng xanh.

Xem thêm:

Ưu nhược điểm đèn Laser

Ưu điểm của đèn Laser đó là có cường độ chiếu sáng cao. Nguồn sáng đèn Laser gấp nhiều lần so với đèn LED hay Xenon. Ánh sáng đi xa. Trong khi đó mức tiêu thụ điện năng của đèn Laser rất thấp, thấp hơn LED và Xenon.

Nhược điểm đèn Laser ô tô đó là giá thành rất cao. Ngoài ra, đèn Laser cũng toả nhiệt lượng rất lớn nên cần đầu tư nhiều ở bộ tản nhiệt. Đèn Laser không thể đảm nhận cùng lúc vai trò chiếu gần và chiếu xa (chỉnh qua lại giữa pha/cos) nên phải kết hợp với đèn khác.

Độ đèn Laser

Đèn Laser chỉ vừa ứng dụng trong ô tô trong những năm gần đây. Hiện nay chỉ có một số xe trang bị đèn Laser như Audi R8, BMW i8… Giá cả đắt đỏ, trình độ thợ chưa đáp ứng được nên việc độ đèn Laser hiện vẫn rất hiếm ở Việt Nam. Giá độ đèn pha Laser hiện dao động từ 20 – 70 triệu đồng/cặp.

Đèn Laser ô tô hiện có giá rất cao

Đèn Laser ô tô hiện có giá rất cao


Ưu điểm đèn Laser:

  1. Cường độ ánh sáng mạnh, chiếu xa

  2. Tiêu thụ điện năng ít

  3. Thẩm mỹ cao

Nhược điểm đèn Laser:

  1. Giá đắt đỏ

  2. Yêu cầu cao khi lắp đặt

  3. Toả nhiệt lớn nên cần đầu tư bộ tản nhiệt

  4. Không thể cùng lúc đảm nhận vai trò pha/cos như các loại đèn khác

Độ đèn pha ô tô

 

Đèn pha ô tô là đèn quan trọng nhất trên xe. Cụm đèn này đóng vai trò chiếu sáng chính, cung cấp ánh sáng cho người lái khi xe di chuyển ở những khu vực thiếu sáng. Không chỉ thế, đèn pha ảnh hưởng nhiều về mặt thiết kế và thẩm mỹ xe. Cụm đèn pha được ví như “đôi mắt” của xe, quyết định đến “thần thái” chiếc xe.

Đèn pha ô tô cần có cường độ ánh sáng cao để giúp người lái quan sát rõ trong điều kiện thiếu sáng

Đèn pha ô tô cần có cường độ ánh sáng cao để giúp người lái quan sát rõ trong điều kiện thiếu sáng


Do đó đèn pha rất được người dùng chú ý. Đa phần khi nâng cấp, độ đèn xe oto, chủ xe sẽ đầu tư nhiều vào đèn pha để vừa có được ánh sáng tốt, vừa giúp “xế cưng” trông “cool ngầu” hơn.

Cấu tạo đèn pha

Cấu tạo đèn pha ô tô truyền thống cấu tạo chính bao gồm: nguồn sáng (tim đèn) và choá đèn. Khi đèn sáng ánh sáng sẽ phản chiếu qua choá đèn giúp tập trung ánh sáng, tản sáng đều và tăng độ sáng. Với đèn pha thêm bi cầu Projector cấu tạo bao gồm: nguồn sáng, choá mini, bộ chuyển pha/cos (nếu có), bi cầu Projector.

Đèn pha thêm bi cầu Projector cấu tạo bao gồm: nguồn sáng, choá mini, bộ chuyển pha/cos (nếu có), bi cầu Projector

Đèn pha thêm bi cầu Projector cấu tạo bao gồm: nguồn sáng, choá mini, bộ chuyển pha/cos (nếu có), bi cầu Projector


Các loại đèn pha

Hiện nay có các loại đèn pha ô tô như đã đề cập chi tiết ở trên:

  1. Đèn Halogen

  2. Đèn Bi-LED

  3. Đèn Bi Xenon

Các kiểu độ đèn pha

Có rất nhiều kiểu độ đèn pha ô tô.

Đèn xe nguyên bản là Halogen

Nếu xe chỉ trang bị đèn Halogen đi cùng choá truyền thống (không có Projector), có những cách nâng cấp đèn sau:

  1. Thay bóng đèn Halogen tăng sáng

Hiện nay có loại bóng đèn Halogen tăng sáng, giúp nâng cấp hiệu năng cao hơn so với đèn Halogen nguyên bản theo xe. Điển hình là dòng đèn Halogen tăng sáng Philips X-Treme Vision cho khả năng tăng sáng 130% so với đèn Halogen thường. Cách nâng cấp này được xem là tiết kiệm nhất. Tuy nhiên đèn Halogen hiệu năng cao có độ bền không bằng đèn zin theo xe.

  1. Thay bóng đèn LED

Đây là cách độ đèn khá đơn giản, chỉ cần thay bóng đèn Halogen bằng đèn LED. Tuy nhiên lời khuyên là không nên áp dụng cách này. Bởi choá truyền thống sẽ dễ làm ánh sáng bóng LED tản xạ nhiều, luồng sáng phát ra không tập trung. Điều này dẫn đến hiện tượng nếu nhìn từ ngoài thấy rất sáng, dễ gây chói loá nguy hiểm. Nhưng nếu ngồi từ ghế lái lại thấy luồng sáng không cải thiện nhiều, nhất là ánh sáng không đi xa do không có sự tập trung. Do đó các chuyên gia không khuyến khích cách này.

Sở dĩ không kể đến đèn Xenon vì như đã đề cập bên trên, cường độ đèn Xenon rất lớn nên cần có thấu kính Projector để giảm chói cho xe đối diện, không nên sử dụng đèn Xenon không có Projector.

  1. Thay cụm đèn pha bằng Bi LED hoặc Bi Xenon

Cách này sẽ thay toàn bộ cụm đèn pha bằng một bộ Bi LED hoặc Bi Xenon. Khi có bi cầu Projector, ánh sáng sẽ có đường cắt rõ ràng, độ chụm tốt, luồng sáng tập trung đi xa, không gây chói người đồi diện.

Có thể thay toàn bộ cụm pha Halogen bằng một bộ Bi LED hoặc Bi Xenon

Có thể thay toàn bộ cụm pha Halogen bằng một bộ Bi LED hoặc Bi Xenon


Nhược điểm của cách này là khi lắp đặt sẽ phải “mổ đèn”, định hình lại choá, bơm keo, lắp giá đỡ… Những công đoạn này đòi hỏi thợ tay nghề cao, có nhiều kinh nghiệm. Mặt khác chi phí mua đèn và lắp đặt cả bộ khá cao, tầm hơn 10 triệu đồng.

So sánh đèn Bi LED và Bi Xenon, cường độ ánh sáng đèn Bi Xenon mạnh hơn. Bi Xenon được đánh giá cao nhất về mặt chiếu sáng cũng như tính thẩm mỹ nhưng giá cao. Đèn LED hoặc Bi LED luồng sáng không bằng song giá thấp hơn.

Tuỳ vào ngân sách độ đèn cũng như nhu cầu sử dụng mà chủ xe có thể lựa chọn phương án nâng cấp đèn pha ô tô phù hợp. Nếu xe di chuyển phần lớn trong đô thị thì đèn Bi LED là lựa chọn hợp lý. Còn nếu xe thường xuyên đi đường trường hay đường hiểm trở không có đèn đường như đèo núi, rừng đồi… thì đèn Bi Xenon cấp sáng tốt hơn.

Xem thêm:

Đèn xe nguyên bản là Halogen có Projector

Nếu xe đã có sẵn Projector, cụ thể ở dạng Halogen Projector thì việc độ đơn giản hơn. Có thể thay đèn Halogen bằng bóng đèn LED hoặc Xenon. Nếu chọn lắp đèn Xenon cần thêm chấn lưu Ballast để kích sáng nhanh và ổn định điện.

Nếu xe có sẵn Projector chỉ cần thay bóng LED hoặc Xenon

Nếu xe có sẵn Projector chỉ cần thay bóng LED hoặc Xenon


Độ đèn gầm ô tô

 

Đèn gầm ô tô (còn gọi là đèn sương mù, đèn phá sương mù) đây là đèn bố trí ở vị trí gần cản trước và cản sau xe (đa phần xe phổ thông chỉ bố trí ở cản trước). Đèn gầm oto có vai trò chiếu sáng cho người lái, cũng như báo hiệu cho các xe đối diện trong điều kiện tầm nhìn hạn chế như sương mù, thiếu sáng. Ưu điểm của đèn gầm là lắp đặt ở gần gầm xe nên chiếu sáng tầm thấp, sẽ không gây chói cho xe đối diện hay người đi đường.

Đèn gầm ô tô nằm ở gần cản trước, có vai trò chiếu sáng, định vị trong điều kiện tầm nhìn hạn chế

Đèn gầm ô tô nằm ở gần cản trước, có vai trò chiếu sáng, định vị trong điều kiện tầm nhìn hạn chế


Đa phần các mẫu xe ô tô phổ thông đèn gầm (hay đèn sương mù) chỉ dùng loại Halogen hay sợi đốt, ánh sáng hơi bị hạn chế như Toyota Innova, Honda City,… Do đó nhiều người chọn cách độ đèn gầm xe ô tô để tăng sáng hơn. Một số mẫu xe giá rẻ hay phiên bản giá rẻ bị cắt bỏ luôn đèn gầm như Kia Morning, Hyundai i10… nên chủ xe có thể chủ động độ lắp thêm đèn gầm cho xe.

Bên cạnh độ đèn gầm phía trước, có thể độ thêm đèn gầm phía sau để tăng độ sáng, giúp những xe phía sau nhận biết dễ dàng hơn khi chạy trong điều kiện thiếu sáng.

Hiện nay có các kiểu độ đèn gầm phổ biến:

Độ Bi LED gầm

Đèn Bi LED được sử dụng độ gầm khá phổ biến bởi cho ánh sáng tốt, giá cả vừa phải. Độ đèn Bi LED gầm oto có thể kết hợp màu trắng/vàng. Màu trắng sử dụng ở điều kiện bình thường, màu vàng giúp phá sương. Đèn gầm Bi LED có thể tuỳ chỉnh 2 chế độ pha cos như đèn pha.

Đèn Bi LED được sử dụng độ gầm khá phổ biến bởi cho ánh sáng tốt, giá cả vừa phải

Đèn Bi LED được sử dụng độ gầm khá phổ biến bởi cho ánh sáng tốt, giá cả vừa phải


Độ đèn Bi LED gầm xe ô tô có 2 kiểu chính: độ 1 bóng Bi LED và độ 1 bóng Bi LED kết hợp vòng mí LED ở ngoài. Kiểu thêm vòng LED ở ngoài chủ yếu mang tính trang trí, có thể bật riêng vòng mí LED để định vị ban ngày.

Độ Bi Xenon gầm siêu sáng

Bởi có cường độ ánh sáng rất cao nên đèn Bi Xenon gầm thường được nhiều người trong giới gọi là đèn gầm ô tô siêu sáng. Độ đèn gầm ô tô bằng Bi Xenon sẽ cho ánh sáng sáng hơn đèn LED khá nhiều.

Bi Xenon gầm thường được nhiều người trong giới gọi là đèn gầm ô tô siêu sáng

Bi Xenon gầm thường được nhiều người trong giới gọi là đèn gầm ô tô siêu sáng


Độ đèn gầm Bi Xenon cũng có thể tích hợp chế độ tuỳ chỉnh pha cốt để sử dụng linh hoạt ở nhiều điều kiện đường sá khác nhau. Cũng như đèn pha, khi lắp Bi Xenon phá sương mù cần lắp thêm Ballast để kích sáng nhanh cũng như ổn định điện.

Sở dĩ độ đèn gầm không dùng bóng LED hay Xenon mà chỉ dùng Bi LED hoặc Bi Xenon là vì lý do như trên đã đề cập, bóng LED hay bóng Xenon kết hợp với choá truyền thống sẽ tản xạ nhiều, dễ gây chói mắt người đối diện, nên cần có bi cầu Projector để luồng sáng tập trung.

Về đèn gầm phía sau đuôi xe, vị trí này không cần quá sáng nên phù hợp nhất là dùng đèn LED với dải LED nhỏ, màu đỏ. Không nên dùng LED trắng hay Xenon dễ gây chói loá cho người lái xe phía sau, rất nguy hiểm.

Xem thêm:

  1. Thảm lót sàn ô tô nỉ, cao su, da 3D, 4D, 5D, 6D loại nào tốt nhất?

  2. Kinh nghiệm chọn thảm lót cốp ô tô

  3. Nên mua thảm taplo ô tô lông cừu, thảm carbon hay thảm nỉ?

Độ đèn mí mắt ô tô

 

Đèn mí ô tô có nhiều tên gọi khác như đèn demi, đèn định vị ban ngày hay chiếu sáng ban ngày (DRL – Daytime Running Lights). Đây là một loại đèn công suất thấp, đóng vai trò định vị, giúp những xe chạy ngược chiều có thể quan sát nhau trong các trường hợp tầm nhìn không tốt vào ban ngày như trời âm u, sương mù, mưa… Đèn mí (hay đèn định vị) cũng trợ sáng giúp người lái quan sát tốt hơn trong những trường hợp trên và trợ sáng khi lái xe trời tối. Ngoài ra đèn mí còn mang tính trang trí, góp phần nâng cao tính thẩm mỹ ngoại thất xe.

Đèn mí ô tô là một loại đèn công suất thấp, đóng vai trò định vị

Đèn mí ô tô là một loại đèn công suất thấp, đóng vai trò định vị


Đèn mí định vị ban ngày thường sử dụng đèn truyền thống hay đèn LED, trong đó đèn LED phổ biến hơn. Tuy nhiên ở những dòng xe phổ thông hiện nay, chỉ có những dòng cao cấp hay phiên bản cao cấp mới được nhà sản xuất trang bị đèn mí LED định vị ban ngày. Các dòng xe giá rẻ hay phiên bản giá rẻ thường bị cắt giảm trang bị này. Do đó chủ xe có thể độ thêm đèn mí để vừa hỗ trợ định vị, lái xe an toàn, vừa tăng tính thẩm mỹ cho xe.

Trong trường hợp chưa hài lòng với kiểu thiết kế đèn mí LED nguyên bản, chủ xe cũng có thể chủ động thay đổi.

Các kiểu độ đèn mí

Độ đèn mí, đèn định vị ô tô thường dùng nhất là đèn LED. Bởi cấu tạo chip LED nhỏ nên dễ dàng tạo hình thành những dải LED theo ý muốn. Đèn LED cũng mang đến cảm giác sang trọng, cao cấp. Về khả năng chiếu sáng, bản thân đèn mí chỉ đóng vai trò hỗ trợ định vị ban ngày nên không đòi hỏi độ sáng cao như đèn pha hay đèn gầm. Do đó độ đèn mí hiện nay sử dụng đèn LED là phù hợp nhất.

Các kiểu độ đèn mí LED ô tô phổ biến:

  1. Lắp đèn LED mí chung với cụm đèn chính

Lắp đèn mí tích hợp vào cụm đèn chính phía trước và phía sau là kiểu độ mí phổ biến nhất. Trong đó có các vị trí lắp sau:

Đèn ở dạng ống LED chạy viền cạnh trên hoặc viền cạnh dưới hoặc đi vòng cả trên và dưới. Phổ biến nhất là chạy viền trên cụm đèn chính.

Đèn ở dạng ống LED chạy viền cạnh trên hoặc viền cạnh dưới đèn pha

Đèn ở dạng ống LED chạy viền cạnh trên hoặc viền cạnh dưới đèn pha


Đèn ở dạng khối LED nhiều dải sọc, lắp ở hốc bên trong của cụm đèn chính (gần vị trí tiếp giáp giữa cụm đèn chính với mặt calang).

Đèn ở dạng khối LED nhiều dải sọc, lắp ở hốc bên trong của cụm đèn pha

Đèn ở dạng khối LED nhiều dải sọc, lắp ở hốc bên trong của cụm đèn pha


Đèn vòng tròn LED bao quanh đèn pha (còn gọi là đèn LED Angel Eye hay vòng LED mắt quỷ). Kiểu này ở dạng đèn vòng tròn hay đèn bán nguyệt vòng bao quanh đèn pha/cos trước hay đèn hậu phía sau. Khi chọn kiểu này đa phần sẽ kết hợp thêm 1 dải LED chạy viền thêm cạnh trên hoặc dưới.

Đèn ở dạng vòng tròn LED bao quanh đèn pha

Đèn ở dạng vòng tròn LED bao quanh đèn pha


  1. Lắp đèn LED mí chung với hốc đèn sương mù

Đây cũng là một kiểu độ LED mí cũng được ưa chuộng. Vị trí lắp sẽ ở phần hốc đèn sương mù bên dưới. Thông thường sẽ là một dải LED chạy viền góc trên hoặc góc dưới của hốc đèn sương mù, phổ biến nhất là góc dưới hoặc góc trên bên phải.

Đèn LED mí viền hốc đèn sương mù

Đèn LED mí viền hốc đèn sương mù


  1. Lắp đèn LED mí rời

Một số xe hiện nay được nhà sản xuất lắp đèn định vị rời, không nằm chung trong cụm đèn chính cũng không nằm ở hốc đèn sương mù. Ví dụ như Toyota Vios, đèn mí lắp chạy ngang trên mặt lưới tản nhiệt. Theo phong cách này có một xu hướng thiết kế gần đây được nhiều hãng áp dụng đó là để đèn mí phía trên, dời cụm đèn pha xuống dưới như Hyundai SantaFe, VinFast LUX A2.0, Mitsubishi Xpander

Khi độ đèn mí ô tô, có thể chọn lắp đèn mí rời. Tuy nhiên ngoại trừ trường hợp thiết kế xe đã bố trí sẵn đèn mí ở vị trí rời nào đó thì việc độ thêm mí rời sẽ dễ dẫn đến cải biến, thêm thắt nhiều chi tiết, thay đổi kết cấu xe. Trong khi đây là vấn đề nên hạn chế khi độ đèn xe.

Đèn mí LED rời

Đèn mí LED rời


Không chỉ áp dụng một kiểu mà chủ xe có thể chọn kết hợp nhiều kiểu độ đèn mí với nhau. Nhưng cũng cần chú ý chừng mực, không nên phối quá nhiều đèn mí dễ dẫn đến rườm rà, mất đẹp, lại dễ gặp rắc rối về Luật hay khi đăng kiểm xe.

Các loại đèn mí LED

Hiện có rất nhiều kiểu đèn mí LED ô tô như:

  1. Đèn mí LED dây ống tròn

  2. Đèn mí LED dây chia đốt

  3. Đèn mí LED khối

Đèn mí LED dây ống tròn

Đèn mí LED dây ống tròn


Đèn mí LED dây chia đốt

Đèn mí LED dây chia đốt


Đèn mí LED khối

Đèn mí LED khối


Đèn mí LED màu phổ biến là màu trắng xanh. Tuy nhiên nếu thích chủ xe có thể chọn các loại đèn mí LED có khả năng thay đổi nhiều màu khác nhau.

Xem thêm:

  1. Máy bơm hơi mini ô tô loại nào tốt?

  2. Đánh giá các loại máy sạc bình ắc quy ô tô

  3. Kinh nghiệm chọn máy rửa xe mini gia đình

Độ đèn xi nhan ô tô

 

Đèn xi nhan (hay còn gọi là đèn báo rẽ) đảm nhận vai trò thông báo khi xe chuẩn bị chuyển hướng. Đèn xi nhan thường bố trí ở nhiều vị trí khác nhau trên xe như đầu xe (thường tích hợp trong cụm đèn chính, lắp chung cụm với đèn pha/cos), trên gương chiếu hậu, sườn xe, đuôi xe (chung cụm đèn hậu)… Trong đó vị trí chính là cụm đèn trước và đèn hậu bắt buộc phải có. Ở cụm đèn trước, đèn xi nhan có nhiều kiểu như: đèn độc lập riêng, sử dụng chung với đèn mí ban ngày hoặc kết hợp cả 2.

Đèn xi nhan ô tô giúp thông báo khi xe chuẩn bị chuyển hướng

Đèn xi nhan ô tô giúp thông báo khi xe chuẩn bị chuyển hướng


Đèn xi nhan thường dùng đèn sợi đốt, Halogen, cao cấp hơn là dùng đèn LED. Nhưng đèn LED thường chỉ có xe hạng sang hay xe phổ thông cao cấp. Còn đa phần xe phổ thông vẫn dùng đèn truyền thống. Do đó nhiều chủ xe muốn nâng cấp LED cho xi nhan để có độ sáng tốt hơn cũng như tăng thêm yếu tố thẩm mỹ.

Các kiểu độ đèn xi nhan

Độ đèn xi nhan hầu hết sử dụng đèn LED. Bởi vai trò của đèn xi nhan là báo tín hiệu, không phải cung cấp ánh sáng để di chuyển nên không cần cường độ ánh sáng cao. Vì thế đèn LED là lựa chọn tối ưu nhất. Có nhiều kiểu độ đèn xi nhan như:

  1. Độ đèn xi nhan bóng độc lập

Xe ô tô thường có sẵn một bóng đèn xi nhan riêng nằm trong cụm đèn trước và đèn sau. Nếu độ nâng cấp lên đèn xi nhan LED chỉ cần thay bóng cũ này thành bóng đèn LED.

Có thể thay bóng xi nhan ô tô cũ này thành bóng đèn LED

Có thể thay bóng xi nhan ô tô cũ này thành bóng đèn LED


  1. Độ đèn xi nhan tích hợp đèn mí ban ngày

Đèn mí LED hiện nay có các loại có thể tuỳ chọn 2 chế độ: màu trắng xanh sử dụng vai trò là đèn định vị ban ngày; khi bật báo rẽ đèn chuyển sang màu vàng nhấp nháy. Khi độ mí LED có thể chọn loại tích hợp 2 trong 1 này.

Có thể tích hợp 2 trong 1 đèn mí LED với đèn xi nhan ô tô

Có thể tích hợp 2 trong 1 đèn mí LED với đèn xi nhan ô tô


  1. Độ đèn xi nhan gương chiếu hậu

Có thể lắp thêm đèn LED (trong trường hợp xe không có) hoặc thay đèn báo rẽ gương chiếu hậu ngoài bằng kiểu LED đồng bộ với cụm đèn trước.

  1. Độ đèn xi nhan sườn xe

Những xe ô tô con do thân xe ngắn nên thường ít khi được nhà sản xuất trang bị đèn xi nhan sườn xe. Bởi vị trí này cũng không thực sự cần thiết.

Độ đèn hậu xe ô tô

 

Đèn hậu xe ô tô đóng vai trò định vị cho xe khi di chuyển vào trời tối hay điều kiện đường thiếu sáng. Thông qua đèn hậu, người lái xe phía sau có thể tính toán để giữ khoảng cách an toàn. Đèn hậu oto sử dụng chung công tắc với đèn pha phía trước. Nếu đèn pha bật đèn hậu sẽ bật theo.

Đèn hậu xe ô tô đóng vai trò định vị cho xe khi di chuyển vào trời tối hay điều kiện đường thiếu sáng

Đèn hậu xe ô tô đóng vai trò định vị cho xe khi di chuyển vào trời tối hay điều kiện đường thiếu sáng


Bóng đèn hậu ô tô đa phần dùng loại đèn sợi đốt, đèn Halogen hay đèn LED. Những xe phổ thông giá rẻ thường dùng đèn Halogen, các mẫu cao cấp dùng đèn LED. Nếu xe dùng đèn hậu Halogen, chủ xe có thể thay bóng đèn hậu ô tô thành đèn LED.

Rất hiếm trường hợp độ đèn hậu dùng đèn Bi LED, đèn Xenon hay Bi Xenon. Bởi đèn hậu chỉ đóng vai trò định vị nên độ sáng vừa phải để không gây khó chịu, chói loá cho người lái xe phía sau. Đây cũng là lý do vì sao đèn hậu thường màu đỏ.

Các kiểu độ đèn hậu

Có nhiều kiểu độ đèn hậu ô tô như:

  1. Thay bóng đèn hậu

Đây là kiểu đơn giản nhất, ít biến tấu nhất. Chỉ cần thay bóng đèn Halogen thành đèn LED.

  1. Thay mới cả cụm đèn hậu

Nếu muốn nâng cấp lên đèn hậu LED có đồ hoạ, tạo hình phức tạp bắt buộc phải thay mới cả cụm đèn hậu. Trong một số trường hợp nếu cụm đèn hậu mới có kích thước và kiểu dáng không tương ứng với cụm đèn hậu nguyên bản, bắt buộc “cắt xẻ” luôn cả phần thân vỏ xe (cụ thể là khu vực gần cụm đèn hậu) để lắp đặt vừa vặn. Chi phí loại độ đèn hậu oto loại này khá đắt đỏ, lên đến vài chục triệu đồng.

Nếu muốn nâng cấp lên đèn hậu LED có đồ hoạ, tạo hình phức tạp bắt buộc phải thay mới cả cụm đèn hậu

Nếu muốn nâng cấp lên đèn hậu LED có đồ hoạ, tạo hình phức tạp bắt buộc phải thay mới cả cụm đèn hậu


Tuy nhiên với những dòng xe phổ biến như Mazda 3, Honda Civic, Toyota Vios, Ford Ranger… hiện thị trường có nhiều mẫu đèn hậu thiết kế mới nhưng vẫn theo đúng chuẩn form đèn hậu nguyên bản. Nên khi thay cả cụm đơn giản hơn, không cần “cắt xẻ”.

Những mẫu đèn hậu LED độ hiện lấy cảm hứng thiết kế từ nhiều siêu xe, xe hạng sang, cho cảm giác sang trọng, bắt mắt.

Xem thêm:

  1. Các loại máy hút bụi ô tô đáng mua nhất hiện nay

  2. Các cách khử mùi xe ô tô hiệu quả

  3. Tinh dầu ô tô sử dụng có an toàn không?

Độ đèn lùi ô tô

 

Đèn lùi ô tô thường nằm chung với cụm đèn hậu phía sau xe. Đúng như tên gọi, đèn lùi ô tô có tác dụng cung cấp ánh sáng để người lái dễ dàng quan sát phía sau hơn khi cần lùi, đậu, đỗ… Khác với loại đèn hậu đóng vai trò định vị thường có màu đỏ, đèn lùi ô tô có màu trắng nhằm để cung cấp ánh sáng tối ưu nhất. Nếu xe thường xuyên phải di chuyển trong điều kiện thiếu sáng, nhất là đậu đỗ ở khu vực không cung cấp đủ ánh sáng, chủ xe có thể độ tăng sáng đèn lùi ô tô.

Độ đèn lùi xe oto có thể chọn thay đèn LED hoặc Halogen tăng sáng. Theo các chuyên gia chỉ nên thay bóng đèn lùi, không nên độ chế, lắp đặt thêm ở các vị trí khác vì có thể bị phạt và từ chối đăng kiểm.

Độ đèn tăng trợ sáng ô tô

 

Đèn trợ sáng ô tô là một kiểu đèn lắp thêm nhằm trợ sáng cho hệ thống đèn chính. Mục đích chính khi lắp đèn trợ sáng chủ yếu giúp tăng sáng cho xe khi đi ban đêm ở những cung đường thiếu sáng nghiêm trọng như đường đèo núi, đường rừng, đầm lầy…

Đèn trợ sáng oto được sử dụng phổ biến nhất là đèn LED bar. Đây là một loại đèn LED dạng thanh dài từ 20 – 80 cm. Bên trong có các diod xếp thành 1 hàng hoặc 2 hàng. Độ đèn LED bar oto là chỉ thêm LED bar, không biến tấu gì đến đèn chính. LED bar thường được lắp ở phía trước, phía sau, 2 bên sườn xe. Giá độ LED bar dao động từ vài trăm nghìn đến vài triệu đồng.

Đèn LED bar ô tô

Đèn LED bar ô tô


Hiện nay tình trạng độ LED bar đang bị “biến tướng”. Loại đèn này đang dần được xem như một loại đèn trang trí ô tô, là nơi chủ nhân thể hiện cá tính. Thay vì chỉ sử dụng ở những khu vực thiếu sáng thì nhiều xe sử dụng LED bar khi chạy trong đô thị, phổ biến nhất là xe tải, bán tải… Điều này đang bị lên án dữ dội.

Đèn LED bar có ánh sáng rất mạnh, tán xạ rộng, không tập trung chiếu xuống đường như đèn pha. Điều này khiến những người điều khiển phương tiện xung quanh rất khó chịu, bị chói, loá dễ dẫn đến nhiều tình huống nguy hiểm. Do đó nếu thực sự cần đèn LED trợ sáng oto khi đi đường đêm không đèn đường, đường đèo núi hiểm trở, offroad trong rừng… chủ xe mới nên độ đèn LED bar. Không nên xem LED bar như một hình thức trang trí sử dụng để chạy đường phố thông thường.

Không nên sử dụng LED bar một cách “tràn lan” vô ý thức

Không nên sử dụng LED bar một cách “tràn lan” vô ý thức


Xem thêm:

  1. Có nên mua nệm hơi ô tô không?

  2. Những điểm hay trên ô gấp ngược thông minh

  3. Nên mua bọc vô lăng loại nào?

Độ đèn trần ô tô

 

Đèn trần xe đóng vai trò cung cấp ánh sáng bên trong xe. Trong cabin ô tô, nhà sản xuất thường lắp sẵn đèn trần ở 2 đến 3 đèn trần để chiếu sáng cho hàng ghế trước và những hàng ghế sau. Đèn trần nguyên bản theo xe thường dùng bóng truyền thống, cường độ ánh sáng không cao. Vì thế nhiều người muốn nâng cấp đèn trần để sáng hơn.

Các kiểu độ đèn trần

Độ đèn trần xe có nhiều kiểu:

  1. Thay bóng đèn trần

Nếu chỉ muốn nội thất xe sáng hơn, chủ xe có thể thay thế đèn trần ô tô nguyên bản thành bóng LED. Cách đơn giản hơn mua các mẫu ốp đèn trần ô tô bóng LED có sẵn theo bộ. Khi lắp chỉ cần tháo bỏ phần bộ đèn cũ thay cả bộ ốp đèn trần LED mới vào. Giá các bộ đèn LED ốp trần khá rẻ, chỉ trên dưới 200.000 đồng/bộ.

Có thể thay bóng LED hoặc mua bộ đèn LED ốp trần ô tô mới

Có thể thay bóng LED hoặc mua bộ đèn LED ốp trần ô tô mới


  1. Độ LED trần sao

Bên cạnh thay bóng đèn trần còn có kiểu độ đèn LED trần trang trí cho nội thất xe. Kiểu này mục đích chính không phải cung cấp ánh sáng mà chủ yếu để trang trí nội thất xe. Các kiểu độ LED trần xe trang trí này thường lấy cảm hứng từ những mẫu xe hạng sang, siêu sang.

Kiểu đèn LED dán trần ô tô được ưa chuộng nhất hiện là kiểu trần sao giống Rolls-Royce. Với kiểu này, trần xe sẽ được lắp vài trăm bóng LED nhỏ. Số lượng tuỳ theo khách hàng muốn mật độ dày đặc ra sao. Màu sắc đèn LED có thể thay đổi màu theo nhiều chế độ khác nhau. Giá độ đèn LED trần sao ô tô dao động từ 5 – 8 triệu đồng/xe.

LED trần sao ô tô

LED trần sao ô tô


  1. Độ LED viền trần xe

Ngoài kiểu độ trần sao ô tô còn có các kiểu lắp đèn LED ống chạy viền trần xe. Tuy nhiên kiểu này phổ biến hơn ở xe khách.

Độ đèn nội thất ô tô

 

Những dòng xe ô tô hạng sang thường được nhà sản xuất trang bị thêm đèn trang trí nội thất. Tuy nhiên xe phổ thông rất hiếm có trang bị này. Vì thế nếu thích các kiểu đèn trang trí nội thất ô tô như trên các xe hạng sang Audi, Mercedes, BMW… chủ xe có thể tự nâng cấp thêm.

Các kiểu độ đèn nội thất

Độ đèn nội thất ô tô thường sử dụng đèn LED dạng ống dây dài mảnh (còn gọi là chỉ LED) viền ở các vị trí như taplo, ốp cửa, bệ trung tâm… Ngoài ra ở khu vực để chân hàng ghế trước và gầm ghế trước có thể lắp thêm đèn LED soi chân gầm ghế. Cả chỉ LED và LED gầm ghế đều có thể cài đặt đổi màu với nhiều chế độ khác nhau. Trọn bộ độ đèn LED nội thất ô tô đèn cao cấp hiện có giá từ 1,5 – 5 triệu đồng/xe.

Độ đèn nội thất ô tô gồm viền LED ở các vị trí như taplo, ốp cửa, bệ trung tâm và đèn LED soi chân gầm ghế

Độ đèn nội thất ô tô gồm viền LED ở các vị trí như taplo, ốp cửa, bệ trung tâm và đèn LED soi chân gầm ghế


Xem thêm:

  1. Kinh nghiệm chọn mua gối tựa đầu ô tô

  2. Nên mua tấm lót ghế xe ô tô loại nào tốt?

  3. Các mẫu ví đựng giấy tờ xe ô tô bền đẹp

Kinh nghiệm độ đèn ô tô

 

Khi độ đèn cho xe hơi, chủ xe cần lưu ý một số vấn đề sau:

Độ đèn xe ô tô có bị phạt không

Theo Điểm a, Khoản 3, Điều 16, Nghị định 100/2019/NĐ-CP có quy định, phạt tiền từ 800.000 đến 1.000.000 đồng khi vi phạm: Điều khiển xe lắp thêm đèn phía trước, phía sau, trên nóc, dưới gầm, một hoặc cả 2 bên thành xe. Mức hình phạt bổ sung tước bằng lái xe 1 – 3 tháng, các thiết bị vi phạm bị thu giữ hoặc tháo dỡ ngay lập tức. Những trường hợp lắp thêm đèn chiếu sáng kể trên cũng bị từ chối đăng kiểm.

Có thể thấy các trường hợp lắp thêm những loại đèn khác ngoài các cụm đèn nguyên bản theo thiết kế của nhà sản xuất sẽ được xem là vi phạm quy định. Điển hình rõ nhất như lắp thêm đèn LED bar, lắp thêm đèn lùi xe (ở vị trí ngoài các đèn có sẵn)… Tuy nhiên quy định hiện không đề cập đến việc thay thế đèn, đổi bóng đèn.

Không nên tự độ đèn ô tô tại nhà

Hiện nay, trên mạng có nhiều video clip hướng dẫn độ đèn, tăng sáng đèn ô tô tại nhà. Không ít người muốn tiết kiệm chi phí nên xem theo video hướng dẫn tự mua đèn về thay.

Đây là việc mà nhiều chuyên gia không khuyến khích. Bởi dù chỉ đơn giản là thay bóng đèn nhưng cũng cần tính toán công suất điện, mức toả nhiệt từ đèn, khi lắp đặt sẽ phải “đụng chạm” can thiệp đến hệ thống điện trên xe. Do đó người thực hiện đòi hỏi không chỉ phải am hiểu chuyên môn mà cần có kinh nghiệm, nắm rõ quy trình nhằm đảm bảo an toàn, tránh các rủi ro chập cháy. Vì thế không nên tự ý thay đổi, lắp đặt đèn xe ô tô tại nhà.

Việc nâng cấp đèn ô tô đòi hỏi phải am hiểu chuyên môn và có kinh nghiệm nhất định

Việc nâng cấp đèn ô tô đòi hỏi phải am hiểu chuyên môn và có kinh nghiệm nhất định


Xem thêm:

  1. Ốp bậc cửa xe ô tô nên mua loại nào tốt – bền – đẹp?

  2. Có nên lắp gioăng cao su chống ồn ô tô không?

  3. Kinh nghiệm chọn vè che mưa phù hợp

Nên độ đèn ô tô ở đâu?

 

Khi nâng cấp đèn nên ưu tiên chọn lựa địa chỉ độ đèn ô tô uy tín. Bởi những nơi này sẽ cung cấp các sản phẩm đèn oto nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đèn chính hãng chất lượng. Đặc biệt họ cũng có đội ngũ thợ kỹ thuật lành nghề, giàu kinh nghiệm, đảm bảo xử lý tốt các công đoạn, quy trình. Các chính sách hậu mãi, bảo hành cũng thường dài hạn và rõ ràng.

Độ đèn dù ít nhiều cũng sẽ can thiệp đến hệ thống điện xe. Chưa kể nếu nâng cấp từ đèn Halogen lên Bi LED hoặc Bi Xenon sẽ phải “mổ đèn” để định hình lại choá đèn, bơm keo chống nước, lắp giá đỡ… Các công đoạn này yêu cầu rất cao về mặt kỹ thuật lẫn kinh nghiệm. Chỉ cần phát sinh lỗi nhỏ như bơm keo không kín có thể khiến đèn bị hấp hơi nước. Để khắc phục phải mở đèn ra, hấp nhiệt khá phức tạp và tốn kém. Về hệ thống điện, nếu xử lý không đúng cũng dễ dẫn đến rủi ro chập cháy.

Nên ưu tiên chọn địa chỉ độ đèn xe ô tô uy tín

Nên ưu tiên chọn địa chỉ độ đèn xe ô tô uy tín


Vì thế nên ưu tiên chọn những địa chỉ nâng cấp đèn ô tô uy tín, có danh tiếng, hoạt động lâu năm trong nghề. Cẩn trọng với những địa chỉ quảng cáo độ đèn ô tô giá rẻ. Đồng thời tuyệt đối không nên sử dụng các loại đèn ô tô giá rẻ, nguồn gốc xuất xứ không rõ ràng. Những loại đèn này thường có tuổi thọ không cao, độ chụm sáng và tiêu cực không chuẩn, tiềm ẩn nhiều nguy cơ về cháy nổ trong quá trình sử dụng.

Minh Tuấn

*Liên hệ 0777.669.486 để được tư vấn các ưu đãi khi đặt quảng cáo trên bài viết

 

Câu hỏi thường gặp về độ đèn ô tô

📌  Có nên thay bóng LED cho ô tô?

Trả lời: Như có đề cập ở phần trên, với đèn pha ô tô nếu xe không có sẵn Projector nên hạn chế thay bóng LED bởi dễ gây chói loá cho xe đối diện. Bóng LED hay bóng Xenon nên đi chung với bi cầu để giảm tán xạ, tăng độ chụm sáng.

📌  Bóng đèn tăng sáng cho ô tô nên mua loại nào?

Trả lời: Có nhiều loại bóng đèn tăng sáng ô tô như bóng đèn Halogen siêu sáng, bóng Bi LED, bóng Bi Xenon… Tiết kiệm nhất là dùng bóng Halogen siêu sáng. Độ sáng mạnh nhất là bóng Bi Xenon.

📌  Giải pháp tăng sáng cho ô tô nào tốt nhất?

Trả lời: Nếu xe chỉ dùng bóng Halogen không có Projector có thể tăng sáng bằng cách thay bóng Halogen siêu sáng hoặc mổ đèn thay Bi LED hay Bi Xenon. Nếu xe có sẵn Projector, chỉ cần thay bóng Halogen bằng bóng LED hoặc Xenon.

📌  Nâng cấp đèn pha ô tô nên chú ý điều gì?

Trả lời: Nguyên tắc khi nâng cấp đèn pha ô tô cần phải tuân thủ đó là không gây chói mắt người khác khi chạy trên đường. Bởi điều này vừa tiềm ẩn nhiều nguy hiểm khi tham gia giao thông, lại vừa dễ bị phạt, bị từ chối đăng kiểm.

📌  Đèn LED ô tô loại nào tốt?

Trả lời: Với đèn LED ô tô, người mua có thể tham khảo các thương hiệu chất lượng như Philips, Osram, Novsight, GTR…

3 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

Comments


bottom of page