Nắm được cách sử dụng, kỹ thuật đánh lái và các lỗi thường gặp trên vô lăng sẽ giúp người lái có thể xử lý được nhiều tình huống nguy hiểm.
Nội dung chính
Tổng quan hệ thống lái trên ô tô
Hệ thống lái trên ô tô có nhiệm vụ giúp xe có thể chuyển hướng theo ý muốn của người lái. Ngoài ra, hệ thống lái còn có vai trò đảm bảo tâm quay của những bánh xe đi theo đúng động học quay vòng ô tô nhằm hạn chế hiện tượng mòn lốp xe.
Cấu tạo hệ thống lái ô tô
Hệ thống lái ô tô gồm 3 cụm bộ phận chính:
Dẫn động lái: Dẫn động lái có vai trò chính là truyền sự điều khiển của người lái đến hệ thống lái, đảm bảo hệ thống lái vận hành theo ý muốn của người lái. Bên cạnh đó, dẫn động lái còn có một số vai trò phụ như bảo vệ an toàn cho người lái bằng các trang bị túi khí… Dẫn động lái gồm có bộ phận chính là vô lăng và trục lái.
Cơ cấu lái: Cơ cấu lái có vai trò là điều khiển những đòn xoay chuyển động theo đúng động học lái. Các dòng xe ô tô hiện nay đa phần sử dụng cơ cấu lái trục vít – thanh răng với cấu tạo chính gồm trục vít và thanh răng, còn gọi là thước lái.
Trợ lực lái: Trợ lực lái có vai trò giảm thiểu đáng kể lực quay vô văng, giúp người lái đánh lái vô lăng ô tô nhẹ nhàng và dễ dàng hơn.
Tìm hiểu về vô lăng ô tô
Vô lăng (hay vành lái) là bộ phận trực tiếp tiếp nhận sự điều khiển của người lái. Từ vô lăng, người lái có thể điều khiển toàn bộ hệ thống lái xe để bánh xe chuyển hướng theo ý muốn.
Bên cạnh đó, vô lăng còn là nơi đặt túi khí giúp giảm thiểu chấn thương cho người lái nếu xe xảy ra va chạm mạnh. Ngoài ra, trên những dòng xe ô tô hiện đại ngày nay, vô lăng được tích hợp thêm các nút điều khiển tính năng để người lái có thể thao tác nhanh chóng.
Vô lăng là bộ phận trực tiếp tiếp nhận sự điều khiển của người lái
Kích thước vô lăng
Kích thước vô lăng hay đường kính vô lăng sẽ tuỳ thuộc vào tỷ số truyền của hệ thống lái. Với xe tải, kích thước vô lăng xe tải thường lớn để việc đánh lái được nhẹ nhàng hơn. Do xe tải trọng lượng lớn nên việc đánh lái vô lăng đòi hỏi nhiều sức lực hơn. Với những xe ô tô con thì ngược lại. Ngoài ra, kích thước vô lăng còn chịu ảnh hưởng bởi tính thẩm mỹ trong thiết kế nội thất xe cũng như trải nghiệm cầm lái của người dùng.
Số vòng quay vô lăng
Tuỳ theo thiết kế của nhà sản xuất mà số vòng quay vô lăng ở mỗi mẫu xe sẽ khác nhau. Số vòng quay của vô lăng càng ít thì xe càng có tính linh hoạt cao, càng nhạy với mỗi tác động từ người lái lên vô lăng.
Với các loại xe đua, số vòng quay vô lăng thường dưới 2 vòng. Điều này giúp xe có được phản ứng cực kỳ nhanh nhạy với từng sự chuyển động của vô lăng. Tuy nhiên với các dòng xe ô tô thông thường, số vòng quay vô lăng cần phải cao hơn để đảm bảo tính an toàn. Vì khi này xe không cần phải ứng nhanh mà cần sự ổn định. Số vòng quay lớn sẽ giúp xe có thể vận hành ổn định, nhất là khi chạy ở vận tốc cao.
Đa phần xe ô tô con hiện nay có số vòng quay từ 2,5 – 3,5 vòng. Xe có xu hướng thể thao, cần sự phản ứng lanh lẹ thì số vòng quay thường thấp, dưới 3 vòng. Ngược lại những mẫu sedan hay SUV, MPV dành cho gia đình, đề cao sự đằm chắc an toàn thường có số vòng quay lớn hơn, trên 3 vòng.
Số vòng quay vô lăng phổ biến từ 2,5 – 3,5 vòng
Ví dụ, số vòng quay vô lăng của Honda Accord là 2,6 vòng, Toyota Camry là 3,2 vòng, Lexus NX 2,7 vòng, Lexus LS 3,1 vòng…
Cách tính vòng quay vô lăng rất đơn giản. Bạn chỉ cần tìm một mốc chuẩn, sau đó đếm số vòng khi đánh lái vô lăng đến hết lái là sẽ ra được số vòng quay vô lăng.
Cách cầm vô lăng
Có nhiều cách cầm vô lăng nhưng cách cầm vô lăng chuẩn nhất là kiểu 9 giờ 15 phút (còn gọi là 9 giờ – 3 giờ). Hãy hình dung tay cầm vô lăng như một mặt đồng hồ. Tay trái sẽ đặt ở vị trí 9 giờ, tay phải sẽ đặt ở vị trí 15 phút (hay còn gọi là 3 giờ).
Cách cầm vô lăng chuẩn nhất là kiểu 9 giờ 15 phút
Cách cầm vô lăng ô tô này giúp người lái có thể xử lý linh hoạt nhất và nhanh nhất trong mọi tình huống, không bị cản trở, không bị phản ứng chậm nhịp. Bên cạnh đó, cầm vô lăng theo kiểu 9 giờ 15 phút còn giúp đảm bảo an toàn cho người lái trong trường hợp túi khí bung nếu xe xảy ra va chạm.
Cách đánh vô lăng ô tô
Các kỹ thuật đánh vô lăng
Có 2 kỹ thuật đánh vô lăng ô tô là chéo tay và kéo đẩy. Cách đánh vô lăng ô tô chéo tay nhanh hơn nhưng chỉ nên thực hiện khi xe chạy tốc độ chậm để đảm bảo an toàn. Còn cách đánh lái vô lăng kéo đẩy có ưu điểm đánh lái mượt, phạm vi hoạt động của tay rộng, có thể nhanh chóng định hướng chính xác. Cách đánh này còn đảm bảo không gian an toàn để túi khí bung trong trường hợp khẩn cấp.
Chỉ nên sử dụng cách đánh vô lăng chéo tai khi chạy tốc độ chậm
Đánh lái chết
Đánh lái chết (hay đánh lái nguội) là kiểu xoay vô lăng khi xe đang dừng. Theo nhiều chuyên gia, người lái nên hạn chế hoặc tốt nhất tránh đánh lái chết, bởi dễ gây ảnh hưởng không tốt cho xe.
Thứ nhất, đánh lái chết dễ khiến lốp trước mòn nhanh hơn lốp sau. Vì khi đánh lái chết, lốp trước sẽ xoay trong khi lốp sau không chuyển động do xe vẫn đang đứng yên. Thứ hai, đánh lái chết khiến người lái khó cảm nhận được hướng của xe bởi xe đang đứng yên. Tình trạng này thường gặp ở những người mới tập lái xe.
Đánh lái chết dễ khiến lốp trước mòn nhanh hơn lốp sau
Các ký hiệu trên vô lăng ô tô
Ở các dòng xe ô tô hiện đại ngày nay, nhà sản xuất thường trang bị các nút điều khiển trên vô lăng nhằm giúp người lái có thể thao tác nhanh chóng các tính năng trên xe. Xe ô tô càng cao cấp thì càng có nhiều phím chức năng tích hợp.
Hiện nay nhà sản xuất thường trang bị các nút điều khiển trên vô lăng ô tô
Ý nghĩa một số ký hiệu trên vô lăng ô tô thường thấy như:
Nút +/- kèm biểu tượng loa: Chỉnh âm lượng
Nút hình điện thoại: Chỉnh nghe/gọi
Nút có mũi tên lên/xuống, trái/phải: Lựa chọn các chế độ
Nút Ok: Xác nhận
Nút có hình đầu người: Bật điều khiển bằng giọng nói
Nút Mode, kèm theo biểu tượng tới hoặc lùi: Điều chỉnh nhạc/video
Cụm nút + RES, -SET, Cancel: Thiết lập Cruise Control
Cần nút xoay sau vô lăng bên trái: Điều chỉnh đèn pha, cos, đèn định vị ban ngày, đèn gầm, đèn báo khẩn cấp…
Cần nút xoay sau vô lăng bên phải: Điều chỉnh gạt mưa
Một số xe ô tô cao cấp tích hợp thêm cả lẫy chuyển số sau vô lăng.
Cách điều chỉnh vô lăng gật gù
Các dòng xe hiện nay đa phần đều được trang bị vô lăng gật gù là loại vô lăng có thể điều chỉnh các hướng. Với các dòng xe giá rẻ như Kia Morning, Hyundai i10, Honda Brio, Toyota Vios… vô lăng thường là loại gật gù chỉnh 2 hướng cao/thấp. Với những xe từ tầm trung trở lên như Mazda 3, Hyundai Elantra, Toyota Corolla Altis, Toyota Camry… vô lăng là loại chỉnh 4 hướng gồm cao/thấp và xa/gần.
Cách chỉnh vô lăng gật gù rất đơn giản. Đầu tiên hãy chỉnh ghế xe với tư thế ngồi thoải mái nhất. Sau đó kéo cần điều chỉnh vô lăng ở phía dưới vô lăng ra, mở lỏng bộ khoá của nó. Tiếp điều chỉnh hướng cao/thấp và xa/gần sao cho khi đặt tay trên vô lăng ở vị trí 9 giờ 15 phút, bàn tay và vai tạo thành một đường thẳng hoặc tay thấp hơn vai một chút, khuỷu tay tạo thành góc 120 độ, khoảng cách từ tay đến vai tầm 25 – 30 cm. Khi chỉnh xong chốt lại khoá vô lăng.
Chỉnh vô lăng gật gù sao cho có được tư thế ngồi lái xe chuẩn nhất
Cách xử lý khi xe bị khoá vô lăng
Xe bị khoá vô lăng thường xảy ra khi cố tình xoay vô lăng lúc đã tắt máy xe. Thật ra đây không phải là lỗi mà là một tính năng chống trộm. Để mở khoá vô lăng chỉ cần khởi động xe, lúc này vô lăng sẽ tự động được mở khoá.
Để mở khoá vô lăng bị khoá chỉ cần khởi động xe
Vô lăng bị rơ
Vô lăng ô tô nào cũng có độ rơ hay độ trễ nhất định để đảm bảo xe ổn định, tránh các tình huống mất kiểm soát. Tuy nhiên nếu vô lăng bị rơ nhiều hơn bình thường thì sẽ ảnh hưởng đến độ chính xác khi đánh lái. Do đó cần sớm chỉnh lại độ rơ vô lăng.
Vô lăng bị rơ nhiều hơn bình thường cần sớm chỉnh lại
Vô lăng bị nặng
Vô lăng bị nặng là một trong những lỗi vô lăng thường gặp, nhất là với xe ô tô cũ đời sâu. Có nhiều nguyên nhân vô lăng bị nặng như xe thiếu dầu trợ lực lái, bơm trợ lực lái bị hỏng, thước lái có vấn đề… Trong trường hợp này tốt nhất nên đưa xe đến garage để có thể kiểm tra chính xác nguyên nhân và xử lý triệt để.
Vô lăng ô tô bị nặng thường do thiếu dầu trợ lực lái hoặc bơm trợ lực có vấn đề
Xe bị lệch tay lái
Xe bị lệch tay lái là hiện tượng dù bánh xe hướng thẳng nhưng vô lăng lại bị lệch sang bên trái hoặc bên phải. Nguyên nhân thường do xe bị nhao lái hay xe bị va chạm, tai nạn, đâm đụng ảnh hưởng đến hệ thống lái.
Có thể tự chỉnh vô lăng bị lệch bằng cách mở vít, tháo vô lăng ra rồi lắp lại theo hướng bánh đã được cố định thẳng đứng. Trong trường hợp khi đã chỉnh lại vô lăng nhưng một thời gian sau xe vẫn bị lệch vô lăng thì có thể xe đã bị nhao lái. Cần đưa xe đến garage để kiểm tra nguyên nhân nhao lái và sớm khắc phục.
Xe bị lệch tay lái có thể do xe bị nhao lái hay bị va chạm làm ảnh hưởng hệ thống lái
Xe bị nhao lái
Xe bị nhao lái là hiện tượng xe bị nghiêng hơi nhao về bên trái hoặc nhao về bên phải. Nguyên nhân xe bị nhao lái là vì góc đặt bánh xe bị lệch so với chuẩn. Điều này dẫn đến lốp xe mòn không đều, làm xe có xu hướng nhao về một bên. Để xử lý nhao lái cần cân chỉnh lại thước lái ô tô.
Xe bị nhao lái thường là vì góc đặt bánh xe bị lệch so với chuẩn
Thước lái ô tô
Thước lái ô tô là một bộ phận quan trọng trong hệ thống lái ô tô. Trong quá trình sử dụng, sẽ có nhiều yếu tố tác động khiến góc đặt bánh xe bị lệch, dẫn đến thước lái bị lệch. Do đó, các nhà sản xuất ô tô thường khuyến cáo nên cân chỉnh thước lái định kỳ sau mỗi 10.000 – 15.000 km. Để cân chỉnh thước lái, người ta sẽ chỉnh lại các góc đặt bánh xe như: góc camber, góc toe và góc caster.
Thước lái ô tô cần được cân chỉnh định kỳ sau mỗi 10.000 – 15.000 km
Trợ lực tay lái
Trợ lực tay lái là bộ phận giúp người lái có thể quay vô lăng một cách nhẹ nhàng hơn, không cần phải dùng nhiều sức. Có 2 loại trợ lực lái phổ biến: trợ lực tay lái thuỷ lực và trợ lực tay lái điện tử. Với hệ thống trợ lực lái ô tô, cần chú ý một số vấn đề khi bảo dưỡng, sửa chữa như:
Thay dầu trợ lực lái
Nếu xe bị thiếu dầu trợ lực lái, tay lái sẽ nặng hơn bình thường, trả lái chậm, khi đánh lái do ma sát lớn nên có tiếng kêu… Theo các nhà sản xuất ô tô, nên thay dầu trợ lực lái định kỳ sau mỗi 60.000 – 80.000 km.
Nên thay dầu trợ lực lái định kỳ sau mỗi 60.000 – 80.000 km
Sửa chữa bơm trợ lực lái
Bơm trợ lực lái nếu bị trục trặc cũng sẽ khiến tay lái bị nặng, trả lái chậm, đánh lái phát ra tiếng kêu… Một số lỗi hư hỏng bơm trợ lực lái thường gặp như: vòng bi bị bẩn, mòn, nứt; phớt cao su bị mòn rách; van an toàn bị mòn; lò xo bị gãy; dây đai bị giãn, trượt; lòng thân bơm bị mòn… Để xác định chính xác nguyên nhân tốt nhất nên đưa xe đến garage để kiểm tra.
Bơm trợ lực lái nếu bị trục trặc cũng sẽ khiến tay lái bị nặng, trả lái chậm…
Bọc vô lăng
Bên cạnh việc chăm sóc và bảo dưỡng hệ thống lái thì việc chăm sóc và bảo dưỡng vô lăng ô tô cũng rất quan trọng. Bởi ngoài vai trò điều khiển hướng di chuyển của xe, vô lăng còn ảnh hưởng rất lớn đến trải nghiệm cầm lái và mặt thẩm mỹ nội thất. Đây chính là lý do vì sao hầu hết người lái xe thường thích dùng bọc vô lăng.
Bọc vô lăng mang đến nhiều lợi ích về trải nghiệm cấm lái và bảo vệ độ mới vô lăng
Bọc vô lăng giúp tăng cảm giác cầm nắm vô lăng, giúp việc điều khiển vô lăng được chắc tay, êm tay hơn, hạn chế các tình huống trơn trượt. Ngoài ra bọc vô lăng còn giúp bảo vệ vô lăng, tránh vô lăng bị mòn, bong tróc da, sờn cũ do chịu ma sát liên tục với tay người lái. Độ mới cũ của vô lăng ảnh hưởng không nhỏ đến tính thẩm mỹ trong nội thất xe nói riêng, cũng như giá trị xe nói chung. Nếu vô lăng quá cũ sẽ dễ khiến xe bị mất giá nếu có bán lại về sau.
Duy Toàn
Comentarios