Nhiều người cho rằng đánh bóng ô tô sẽ gây tổn hại lớp sơn xe, làm mòn sơn xe. Vậy thực hư thế nào? Có nên đánh bóng ô tô?
Sơn xe ô tô rất nhạy cảm trước mọi tác động. Từ các tác động vật lý cho đến những yếu môi trường như nhiệt độ, độ ẩm, hoá chất… đều có thể gây hại sơn xe.
Do đó trong quá trình sử dụng, dù cẩn thận đến nhường nào cũng khó tránh khỏi sơn xe ô tô bị các khuyết tật như bị bào mòn lớp bóng, xước nhăm, xước xoáy như mạng nhện (hologram), xuống màu, ố vàng…
Nội dung chính
Các loại khuyết tận sơn xe thường gặp
Sơn xe ô tô thường có 3 lớp chính:
Lớp sơn lót (trong cùng) được sơn tĩnh điện lên vỏ xe chống gỉ.
Lớp sơn màu (lớp chính ở giữa) thường sử dụng sơn gốc nước, quyết định màu sơn của xe.
Lớp sơn bóng (ngoài cùng) có màu trong suốt được phủ bảo vệ bên ngoài.
Sơn xe ô tô thường có 3 lớp chính
Các khuyết tật sơn ở thể nhẹ đa phần chủ yếu chỉ nằm ở lớp sơn bóng ngoài cùng. Một số khuyết tật sơn xe ô tô phổ biến:
Vết trầy (Scratch): Là những vết cạ, quẹt thường theo đường thẳng bởi các vật có góc cạnh.
Vết xoáy mạng nhện/ Hologram (Cobweb/Spider Swirl): Là những vết xoáy tròn có hình mạng nhện thường gây ra do việc lau xe hay rửa xe sai cách.
Vết đốm nước (Water Spot): Là những đốm do các tạp chất/khoáng chất trong nước (nước mưa, nước máy khi rửa xe, nước bẩn…) đọng lại và khô cứng lại trên bề mặt sơn.
Vết đốm ăn mòn (Acid Etching): Là những đốm bị ăn mòn do nước, chất bẩn chứa axit.
Vết rạn, nứt: Là những vết rạn, nứt giống như những vết nhăn trên da bò. Nguyên nhân chủ yếu do lỗi sơn như lựa chọn chất làm cứng/chất khử không hợp, tỉ lệ trộn chưa chuẩn, độ ẩm môi trường quá cao/quá thấp khi sơn xe…
Vết vỏ cam, lông đuôi ngựa: Là những vệt thường do lỗi đánh bóng không đúng cách gây ra. Là những vết sần nhỏ trên bề mặt trong giống vỏ cam.
Vết xoáy mạng nhện là một trong những dạng khuyết tật sơn ô tô thường gặp nhất
Vệt sơn bị chảy: Là những vệt dài do sơn bị chảy khô cứng lại. Nguyên nhân do sử dụng chất khử sai cách khiến bay hơi chậm, màn sơn quá dày, áp suất không khí không đủ…
Vết mắt cá: Là những vết trông như miệng lỗ nhỏ. Nguyên nhân do sơn xe bị ô nhiễm (nhiễm nước, mỡ, dầu…)
Bong tróc sơn: Là các mảnh sơn khô bị bong tróc ra. Nguyên nhân do màng sơn chưa đủ độ dày, sơn không đúng kỹ thuật…
Sơn không đủ độ bóng: Nguyên nhân chủ yếu do màng sơn không đủ dày hoặc quá dày, dung môi bay hơi nhanh, thông gió chéo kém…
Những khuyết tật trên sơn xe ô tô khiến bề mặt sơn xe không còn phẳng, dẫn đến khúc xạ ánh sáng không về cùng một hướng, làm mất đi độ bóng, sáng và đẹp ban đầu của sơn xe. Đặc biệt, nếu không được khắc phục kịp thời, các khuyết tật có thể gây tổn hại ngày càng nặng nề hơn. Ví dụ những đốm ăn mòn do nước mưa hay chất bẩn có tính axit cao rất dễ lan rộng và ăn sâu. Sơn ô tô bị khuyết tật không chỉ ảnh hưởng đến tính thẩm mỹ, mà quan trọng hơn là làm giảm giá trị chiếc xe.
Những vết đốm ăn mòn do nước hay các chất bẩn có tính axit cao có thể lan rộng và ăn sâu
Xem thêm:
Có nên sơn gầm ô tô không?
Kinh nghiệm dán phim cách nhiệt ô tô
Làm cách âm xe hơi liệu có hiệu quả?
Hiệu chỉnh sơn – đánh bóng ô tô có tác dụng gì?
Hiệu chỉnh sơn xe ô tô là quá trình xử lý triệt để các khuyết tật sơn xe, giúp sơn xe ô tô sáng, bóng và đẹp hơn. Hiệu chỉnh sơn xe ô tô gồm nhiều bước kỹ thuật khác nhau.
Đánh bóng sơn xe ô tô là một kỹ thuật chính trong quá trình hiệu chỉnh sơn xe ô tô, giúp xoá các vết trầy nhẹ, vết xước, vết xoáy, vết ăn mòn… làm phẳng, tạo sự đồng nhất, cân bằng bề mặt cho nền sơn xe ô tô.
Hiệu chỉnh sơn xe ô tô là quá trình xử lý triệt để các khuyết tật sơn xe, giúp sơn xe ô tô sáng, bóng và đẹp hơn
Hiệu chỉnh sơn – đánh bóng ô tô có tốt không?
Rất nhiều người thắc mắc đánh bóng ô tô có tốt không, có nên đánh bóng ô tô không, đánh bóng ô tô có làm mòn sơn xe không… Thực sự khi đánh bóng xoá xước ô tô, sơn sẽ bị mài mòn một lớp mỏng nhất định. Tuy nhiên, nếu đánh bóng đúng kỹ thuật, dùng đúng loại paste (pass)/xi đánh bóng chuyên dụng dành cho ô tô, lớp sơn xe chỉ bị mòn một lớp siêu mỏng, lớp sơn “zin” gần như không ảnh hưởng, vẫn đảm bảo được độ dày cần thiết.
Nếu đánh bóng đúng kỹ thuật sẽ không ảnh hưởng đến lớp sơn xe ô tô
Trong trường hợp hiệu chỉnh sơn xe sai cách, không đúng phương pháp, dùng nhám và paste không phù hợp sẽ khiến lớp sơn bóng bị mài mòn nhiều, thậm chí gây hại đến lớp sơn chính.
Xem thêm:
Có nên bọc trần xe ô tô?
Nhưng lưu ý khi bọc ghế da ô tô nhất định phải biết
Cửa hít ô tô loại nào tốt?
Khi nào nên hiệu chỉnh sơn – đánh bóng xe ô tô?
Theo các chuyên gia đưa lời khuyên, để sơn xe lên màu bóng, sáng và đẹp hơn, người dùng nên hiệu chỉnh – đánh bóng sơn xe ô tô định kỳ 12 tháng/lần. Việc hiệu chỉnh sơn xe định kỳ không chỉ giúp sơn xe đẹp hơn mà còn giúp loại bỏ các khuyết tật gây hại sơn xe, ngăn tình trạng lan rộng nhiễm nặng, từ đó góp phần kéo dài tuổi thọ sơn xe.
Nên hiệu chỉnh – đánh bóng sơn xe ô tô định kỳ 6 – 12 tháng/lần
Bên cạnh việc đánh bóng – hiệu chỉnh sơn xe ô tô định kỳ, nếu xe gặp tình trạng bị vết trầy xước nhiều cũng nên mang xe đi hiệu chỉnh sơn để xoá xước, lấy lại diện mạo đẹp nhất cho xe.
Các bước quy trình hiệu chỉnh sơn – đánh bóng ô tô
Để hiệu chỉnh sơn – đánh bóng xe hơi cần có đầy đủ các vật liệu, dụng cụ và máy móc chuyên dụng sau:
Đèn kiểm tra khuyết tật sơn xe (đèn kiểm tra xước xe): Dùng để kiểm tra các vị trí cũng như loại trầy xước và mức độ vết trầy xước nhằm đưa ra phương pháp xử lý phù hợp
Nhám: Giúp làm nhẵn, mờ vết xước. Chỉ dùng các loại nhám có độ mịn phù hợp (thường là 1500, 2000…)
Xi đánh bóng: Có thể là dầu, dung dịch, kem, sáp, paste (pass) đánh bóng xe ô tô… Tuy nhiên chỉ dùng các loại chuyên dụng dành riêng để đánh bóng sơn xe ô tô, ưu tiên có thương hiệu, xuất xứ… Một số thương hiệu uy tín như 3M (Mỹ), IGL Coatings ( Đức), Artshine ( Singapore)…
Máy đánh bóng: Một số dòng máy đánh bóng được dùng phổ biến như Rupes, Bosch, Clover…
Phớt lông cừu đánh bóng
Chất phủ ceramic hoặc chất phủ nano ô tô (bảo dưỡng sau khi đánh bóng)
Một quy trình hiệu chỉnh sơn – đánh bóng ô tô chuẩn sẽ bao gồm các bước:
Bước 1. Vệ sinh ngoại thất: Rửa xe ô tô và tẩy sạch những vết bẩn trên bề mặt sơn xe. Trong quá trình sử dụng xe bị bám dính nhiều bụi sắt nhựa đường. Để hiệu chỉnh sơn đẹp cần dùng các dụng cụ như thanh đất sét clay bar để xử lý. Việc này sẽ không thể thực hiện nếu xe chưa được rửa sạch.
Cần rửa xe và tẩy sạch những vết bẩn trên bề mặt sơn xe trước khi hiệu chỉnh sơn
Bước 2. Kiểm tra: Dùng đèn kiểm tra khuyết tật sơn xe và dụng cụ đo độ dày sơn xe để kiểm tra một lượt, đánh dấu các vị trí khuyết tật, mức độ khuyết tật.
Dùng đèn kiểm tra khuyết tật sơn xe để xác định các vị trí xước
Bước 3. Xả nhám: Mỗi dòng xe sẽ có nền sơn khác nhau. Ví dụ dòng xe châu Âu thường có nền sơn khá cứng, còn dòng xe châu Á như xe Nhật, xe Hàn… nền sơn xe lại mềm hơn. Do đó việc chọn loại nhám phù hợp để làm nhẵn, mờ các vết trầy cực kỳ quan trọng.
Dùng loại nhám phù hợp để làm nhẵn, mờ các vết trầy, xước
Bước 4. Đánh bóng/ Hiệu chỉnh sơn: Đây là công đoạn đòi hỏi trình độ kỹ thuật và kinh nghiệm cao. Tuỳ vào trình trạng bề mặt sơn mà sẽ có nhiều bước đánh bóng khác nhau nhằm làm phẳng, tạo sự đồng nhất cho sơn xe.
Tuỳ vào trình trạng bề mặt sơn mà sẽ có nhiều bước đánh bóng khác nhau
Bước 5. Phủ lớp bảo vệ: Sau khi đánh bóng nền sơn, xe sẽ được vệ sinh và lau lại bằng hóa chất, khăn lau chuyên dụng. Để tạo thêm lớp bảo vệ cho sơn cũng như tăng độ sáng bóng thường sẽ thêm công đoạn phủ nano hoặc phủ ceramic ô tô.
Sau khi đánh bóng có thể phủ nano hoặc ceramic để tạo lớp bảo vệ và tăng độ sáng bóng cho xe
Xem thêm:
Những điều cần biết khi dán decal tem xe
Hiệu chỉnh sơn – đánh bóng ô tô giá bao nhiêu?
Giá hiệu chỉnh, đánh bóng ô tô khác nhau tuỳ vào mức độ nghiêm trọng của các khuyết tật sơn xe. Tuy nhiên, nhìn chung mức giá đánh bóng ô tô và hiệu chỉnh sơn xe sẽ dao động trong tầm:
Giá đánh bóng ô tô – hiệu chỉnh sơn xe 5 chỗ: 1.000.000 – 1.800.000 đồng
Giá đánh bóng ô tô – hiệu chỉnh sơn xe 7 chỗ: 1.600.000 – 2.500.000 đồng
Mức giá trên bao gồm bước bảo dưỡng, chưa bao gồm phủ ceramic.
Có nên tự đánh bóng ô tô tại nhà?
Để đánh bóng ô tô, nhất là thực hiện toàn bộ các bước hiệu chỉnh sơn xe cần rất nhiều nguyên vật liệu, dụng cụ, máy móc chuyên dụng. Nhưng quan trọng hơn là đòi hỏi kỹ thuật và kinh nghiệm cao.
Trên thực tế, khó thể nắm được các kỹ thuật đánh bóng ô tô chỉ qua việc nghiên cứu tài liệu, xem video hướng dẫn đánh bóng ô tô. Bởi để đánh bóng ô tô đúng kỹ thuật cần tính toán, xác định số vòng quay, kiểm soát tốc độ di chuyển máy, hướng di chuyển, thời gian đánh bóng phù hợp. Để thành thục phải trải qua quá trình tập luyện rất nhiều.
Để đánh bóng ô tô đòi hỏi giỏi kỹ thuật và nhiều kinh nghiệm
Xem thêm:
Các loại màn hình ô tô Android tốt nhất hiện nay
Những kiểu độ âm thanh xe hơi hot
Top hiển thị kính lái HUD được ưa chuộng nhất
Nếu đánh bóng ô tô sai cách không chỉ không thể xoá xước mà còn dễ tạo thêm vết xước mới. Trường hợp nghiêm trọng hơn là làm tổn hại, mài mòn sâu lớp sơn xe. Vì vậy, tốt nhất nên tìm đến các dịch vụ đánh bóng xe hơi chuyên nghiệp.
Có nên dùng Cana để đánh bóng ô tô không?
Rất nhiều người thắc mắc có nên dùng Cana để đánh bóng ô tô không? Câu trả lời là không. Một trong những sai lầm khi đánh bóng ô tô phổ biến nhất đó là sử dụng Cana để đánh bóng xe ô tô.
Cana là một loại paste đánh bóng thô, có độ mịn chỉ 400, khả năng ăn mòn cao. Nếu dùng Cana để đánh bóng ô tô, vết xước có thể xoá nhanh nhưng lớp sơn cũng bị ăn mòn rất sâu. Đã có nhiều trường hợp người dùng ô tô tự ý dùng Cana đánh bóng sơn xe ô tô tại nhà nhiều lần khiến lớp sơn bóng bị ăn mòn, thậm chí còn ăn mòn đến tận lớp sơn chính bên trong. Vì vậy không nên dùng Cana để đánh bóng sơn xe ô tô.
Không nên dùng Cana để đánh bóng ô tô
Ngoài sơn xe, bộ phận nào trên ô tô cũng nên đánh bóng?
Ngoài sơn xe, một số bộ phận khác trên xe ô tô cũng có thể làm mới lại nhờ phương pháp hiệu chỉnh – đánh bóng. Quy trình đánh bóng cũng tương tự như đánh bóng sơn xe ô tô nhưng kỹ thuật sẽ khác tuỳ theo bề mặt cần xử lý.
Đánh bóng kính lái
Kính ô tô, nhất là kính lái ô tô cũng dễ bị trầy, xước do vệ sinh không đúng cách, sử dụng cần gạt mưa xuống cấp, va chạm với các vật sắt nhọn… hay bị xỉn màu do nhiệt độ, độ ẩm, hoá chất… Đánh bóng kính ô tô không chỉ xoá xước mà còn giúp phục hồi độ trong cho kính, làm kính sáng hơn.
Xem chi tiết: Cách xử lý kính lái bị trầy xước, bị nứt
Đánh bóng đèn
Đèn pha xe ô tô thường có chụp đèn bên ngoài làm bằng nhựa polycarbonate. Loại nhựa này có nhược điểm dễ bị tác động bởi nhiệt, bức xạ, bụi bẩn, các chất ô nhiễm… Đây là lý do vì sao sau một thời gian sử dụng, đèn xe ô tô thường bị ố vàng, mờ đục, bám bẩn… Bên cạnh đó, nhựa polycarbonate cũng dễ bị trầy xước khi gặp các tác động vật lý.
Đánh bóng đèn giúp xử lý được các vết trầy xước, vết hư hại trên bề mặt chụp đèn, trả lại độ trong và sáng cho đèn xe
Khi lái xe trong điều kiện thiếu sáng, đèn xe ô tô đóng vai trò vô cùng quan trọng. Nếu đèn xe ô tô bị xuống cấp sẽ khiến luồng sáng chiếu ra bị phân tán, cường độ ánh sáng bị giảm đáng kể. Đánh bóng đèn xe ô tô sẽ giúp khắc phục tình trạng trên. Đánh bóng đèn giúp xử lý được các vết trầy xước, vết hư hại trên bề mặt chụp đèn, trả lại độ trong và sáng cho đèn xe.
Đánh bóng lazang
Lazang ô tô (mâm) ngày nay thường làm bằng hợp kim. Nằm ở vị trí khá thấp, lại thường xuyên tiếp xúc với đất cát, sình lầy, khói bụi, đất đá… nên sau một thời gian sử dụng lazang xe dễ bị trầy xước, nhiễm bẩn ăn mòn, không còn bóng đẹp như ban đầu. Đánh bóng lazang ô tô sẽ giúp loại bỏ các khuyết tật trên bề mặt, lấy lại vẻ đẹp sáng bóng cho lazang xe.
Đánh bóng lốp
Lốp ô tô hiển nhiên sẽ nhanh bẩn và cũ vì mỗi ngày tiếp xúc rất nhiều với các chất bẩn từ mặt đường, lại còn bị ảnh hưởng bởi nhiệt độ cao. Đánh bóng lốp xe ô tô cũng là cách giúp lốp ô tô trông bóng và mới hơn.
So với những bộ phận khác, đánh bóng lốp xe ô tô khá đơn giản. Để đánh bóng lốp ô tô chỉ cần dùng dung dịch đánh bóng lốp ô tô xịt trực tiếp lên bề mặt, dùng khăn mịn chuyên dụng chà rồi lau sạch đi. Các loại dung dịch chuyên dụng này sẽ giúp phục hồi màu đen tự nhiên của lốp xe.
Đánh bóng nội thất
Trong quá trình sử dụng, nhiều vị trí bằng nhựa bóng, mạ bạc, mạ chrome… bên trong nội thất xe ô tô cũng rất dễ bị trầy xước. Vệ sinh nội thất xe và đánh bóng sẽ giúp xoá vết xước, lấy lại độ sáng bóng ban đầu cho các chi tiết này.
Hiệu chỉnh – đánh bóng ô tô ở đâu tốt?
Ở TP.HCM và Hà Nội cũng như các tỉnh thành khác trong cả nước đều có rất nhiều nơi cung cấp dịch vụ đánh bóng xe ô tô, đánh bóng sơn xe, kính xe… Tuy nhiên không phải nơi nào cũng thực hiện đúng quy trình đánh bóng chuẩn, sử dụng dung dịch đánh bóng chuyên dụng dành cho xe ô tô.
Không ít nơi đánh bóng xoá xước ô tô giá rẻ sử dụng Cana để đánh bóng xe. Nếu không biết, người dùng chỉ thấy được kết quả trước mắt là vừa rẻ, vừa xoá xước nhanh, nhưng hậu quả đằng sau là lớp sơn xe đã bị ăn mòn nghiêm trọng.
Bên cạnh đó, tay nghề của thợ cũng rất quan trọng. Đánh bóng chỉ hiệu quả khi thực hiện đúng kỹ thuật. Do đó, khi chọn nơi hiệu chỉnh sơn – đánh bóng ô tô nên chú ý kỹ về mặt giá cả, quy trình thực hiện và đặc biệt là các loại sáp, xi đánh bóng sẽ dùng.
Minh Nguyễn
*Liên hệ 0777.669.486 để được tư vấn các ưu đãi khi đặt quảng cáo trên bài viết
Câu hỏi thường gặp về đánh bóng ô tô
📌 Đánh bóng sơn xe ô tô có gây hại cho sơn xe không?
Trả lời: Thực tế đánh bóng xe sẽ làm mài mòn một lớp mỏng của sơn xe. Tuy nhiên nếu đánh bóng đúng kỹ thuật, dùng xi đánh bóng chuyên dụng thì lớp sơn chỉ bị mài mòn một lớp siêu mỏng, không ảnh hưởng nhiều đến độ dày sơn xe.
📌 Bao lâu nên đánh bóng xe ô tô 1 lần?
Trả lời: Theo các chuyên gia, nếu muốn sơn xe sáng đẹp, loại bỏ các khuyết tật gây hại sơn… có thể đánh bóng sơn định kỳ 12 tháng/lần.
📌 Sáp đánh bóng ô tô loại nào tốt?
Trả lời: Bạn có thể tham khảo các loại sáp đánh bóng xe ô tô chuyên dụng được đánh giá cao về chất lượng như 3M, Sonax, Meguiar’s…
Comentarios