Nội dung chính
Khi mua xe ô tô cũ, bất kỳ ai cũng muốn chọn được một chiếc xe còn mới, còn hoạt động tốt. Vì thế ai cũng ưu tiên mua xe ít sử dụng. Vậy làm sao biết một chiếc ô tô sử dụng nhiều hay ít?
Với xe ô tô cũ đã sử dụng trên 15 năm thì việc đầu tiên cần xem xét là máy móc và gầm. Đối với xe có tuổi đời từ 7 đến 15 năm thì ưu tiên kiểm tra xuất xứ, rồi quan sát chỉ số công tơ mét (hãy cảnh giác vì người bán xe có thể thay đổi chỉ số công tơ mét). Tiếp theo đánh giá nội thất xe, tiếp đến kiểm tra máy móc và gầm. Đối với xe có tuổi dưới 7 năm, đầu tiên bạn cần kiểm tra xuất xứ xe, lí lịch chủ sử dụng xe, kiểm tra các chi tiết nội ngoại thất…
Tuổi đời của xe cung cấp thông tin ban đầu quan trọng về độ bền của chiếc xe cũ
Kiểm tra tổng thể ngoại thất xe ô tô cũ
Theo kinh nghiệm xem ngoại thất xe ô tô cũ, bạn hãy quan sát tổng thể xe theo chiều từ trên xuống. Sau đó quan sát khắp bề mặt vỏ xe, xem có vết lõm không? Nếu có vết lõm, đây là dấu hiệu nói lên xe có thể từng bị va chạm, tai nạn. Tiếp đó, quan sát lớp sơn bao phủ toàn xe. Màu sơn quá cũ, bạc màu, trầy xước nhiều chứng tỏ xe đã đi nhiều. Nhưng nếu lớp sơn quá mới, long lanh thì có thể xe đã được “mông má” lại.
Tuy nhiên, người ít kinh nghiệm thì rất khó để phát hiện được vết va đập mạnh đã được khắc phục trên vỏ xe. Vì kĩ thuật sơn, đắp hiện nay ở các gara sửa chữa xe rất “cao tay”, có thể làm mới gần như hoàn toàn một chiếc xe đã bị hư hỏng nặng. Do đó hãy cẩn trọng, “ngoại hình” xe chỉ nên là một yếu tố tham khảo.
Quan sát tổng thể xe là bước đầu tiên khi đánh giá xe cũ
Kiểm tra cửa (ngoài và trong)
Tay nắm cửa xe là bộ phận hay tiếp xúc với mồ hôi của tay người. Trải qua thời gian dài sử dụng xe, tay cầm sẽ bóng lên. Đồng thời độ gắn kết với cửa xe sẽ giảm xuống. Quan sát thực tế ở đây cũng cho biết ít nhiều về tình trạng của chiếc xe bạn định mua. Bạn nên kiểm tra đồng thời cả tay nắm cửa bên trong và bên ngoài. Một số mẫu xe tay nắm cửa bên trong hay bị chảy nhựa. Một số dòng khác thì hay bị bong tróc nước sơn mạ. Ở một số dòng xe nhập khẩu thì nút bấm khoá xe trên tay nắm cửa thường hoạt động chập chờn lúc được lúc không.
Tay nắm cửa ô tô cũng sẽ bị mòn nếu dùng nhiều
Theo bí quyết kiểm tra nội thất xe ô tô cũ, bạn có thể kiểm tra kỹ càng độ rơ của các cửa ô tô bằng cách dùng hai tay đỡ cánh cửa rồi tạo ra lực đẩy-kéo vừa đủ theo hướng lên trên và xuống dưới. Chiếc xe cũ ít sử dụng thì hầu như không có độ rơ ở đây. Một số xe cũ, khi thực hiện kiểm tra có tiếng kêu phát ra. Nguyên do là cao su đệm (nhựa) bị mòn. Cửa lái của một số xe khi dùng lâu thì lúc mở ra hết và đóng lại sẽ bị xệ. Trong trường hợp này chỉ có cách tháo tất cả bản lề của cửa để tiện lại, kết hợp với làm mới bạc thì mới khắc phục hoàn toàn. Qua quan sát cửa, bạn sẽ phần nào đánh giá được mức độ sử dụng của xe.
Kiểm tra vô lăng
Nếu xe ít sử dụng thì vô lăng, đặc biệt là vị trí tay cầm, còi và các phím điều hướng sẽ mới nguyên mà không có dấu hiệu bị mòn vẹt. Vô lăng cũng nhẹ hoặc đầm chắc tùy loại trợ lực, không có tình trạng vô lăng bị rơ. Ngoài ra, khi kiểm tra xe, người mua cũng nên xoay vô lăng nhiều lần theo nhiều hướng khác nhau để xem vô lăng có bị phát ra âm thanh lạ như tiếng rít hoặc tiếng cọt kẹt hay không. Nếu xuất hiện những âm thanh này thì có nghĩa là chủ xe sử dụng xe rất nhiều và ít bảo dưỡng.
Vị trí tay cầm và còi bấm trên ô tô thường là nơi dễ bị mòn nhất
Kiểm tra cần số
Cần số là bộ phận cơ khí. Do đó, theo thời gian sẽ có độ “rơ” nhất định. Để kiểm tra nhanh, bạn cầm cần số lắc qua lại rãnh số “0”, khi đó, nếu hành trình ngắn chứng tỏ độ “rơ” ít và đây có thể là chiếc xe còn tốt. Một số mẫu xe chẳng hạn như Land Cruiser số sàn hay bị lỗi rơ cần số. Nên khi vào số sẽ có tiếng khục khục nhẹ, một thời gian sau sinh ra tiếng kêu kẹt kẹt, lắc thì thấy bị rơ nhiều. Nguyên nhân là bị mòn bộ khớp cầu “đầu chùa” ở vị trí gần ngay cần số. Khi bạn mua xe này thì sau đó phải xử lý bằng cách đóng lại bạc đầu chùa.
Cần số rất có thể bị “rơ”
Một số xe đời cũ hơn, chẳng hạn như Ford Mondeo 2003, miếng che cao su ở vị trí cần số (dùng để che chắn các vật lạ rơi vào các bộ phận bên dưới cần số) có thể bị rách, nên việc chuyển số không còn được êm, đôi khi gây khó khăn cho người điều khiển, đặc biệt là khi chuyển từ R về P hoặc N sang D. Để khắc phục lỗi này phải mở các bộ phận nhựa gắn ở vị trí cần số rồi làm mới lại. Một số xe đời 2008 (cần số đưa xuống sàn) thì dù chưa đi được lâu, chỉ khoảng ba vạn kilomet thì cần số đã có thể bị lỗi khi về P, tức là không thể vặn chìa khóa về hết vòng để rút chìa ra được. Gặp lỗi này chỉ còn cách đưa xe đến gara lớn để khắc phục.
Kiểm tra chân phanh và bàn đạp ga
Chân phanh và bàn đạp ga là hai bộ phận luôn được dùng khi điều khiển xe. Sự mài mòn hay dấu hiệu bất thường ở đây cho biết chiếc xe đã qua sử dụng nhiều hay ít. Nếu chân phanh hoặc bàn đạp ga đã bị mòn thì chắc chắn đây không thể là xe ít sử dụng. Đối với dòng xe phổ thông, đĩa phanh mòn đều hay lồi lõm nói nên mức độ vận hành của xe nhiều hay ít. Xe vận hành nhiều thì vết mòn rõ và sáng bóng hơn.
Tuy nhiên, nếu quãng đường di chuyển của xe dưới 10 vạn kilomet, nhưng phần cao su ở chân phanh đã bị mòn quá mức thì đó là chỉ dấu cho thấy chiếc xe có thể có vấn đề. Do đó, khi kiểm tra độ mòn của chân phanh và bàn đạp ga, bạn nên dựa trên số kilomet để xem xét độ mòn có tương thích với số kilomet không?
Sự mài mòn chân phanh và bàn đạp ga là một yếu tố cần được xem xét khi đánh giá nhanh chất lượng của một chiếc xe cũ.
Kiểm tra bọc ghế ngồi và thảm sàn
Quan sát độ nhàu của da ghế. Độ nhàu của da ghế tỉ lệ thuận với mức độ hoạt động và chuyên chở của xe. Càng nhàu, chứng tỏ xe càng “tã”. Một số xe cũ đã được chủ xe bọc lại da mới. Tuy nhiên hầu hết là da nhái, nên độ bền chỉ bằng một nửa so với da xịn. Ví dụ, độ nhàu của da nhái ở ghế lái sau 5 vạn kilomet di chuyển, tương đương với độ nhàu của da xịn khi chạy được 10 vạn kilomet.
Thảm xe nguyên gốc chính hãng có thể sử dụng hàng chục năm trước khi bị mài mòn. Nếu chiếc xe bạn định mua có dấu “gót chân” hằng hẳn lên thảm sàn của xe hoặc độ mòn của thảm không đồng bộ với chỉ số đo của đồng hồ thì hãy cân nhắc cẩn thận. Mở tấm lót sàn (thường có 2 lớp) để quan sát sàn bên dưới. Dùng vật cứng bằng gỗ gõ vào đây và lắng nghe. Nếu xe cũ, đã chinh chiến nhiều, tiếng kêu mỏng, rạn. Xe mới tiếng chắc, ấm.
Độ mòn hay vết trên thảm xe cho biết phần nào sự hao mòn của ô tô
Kiểm tra khung gầm
Khung gầm là một trong những bộ phận chịu lực nhiều nhất khi xe di chuyển, do vậy, nếu là xe ít chạy thì phần khung gầm sẽ còn rất chắc chắn và ổn định. Để kiểm tra được điều này, chủ xe có thể lật hết các tấm thảm ở sàn xe, sử dụng vật cứng như gỗ hoặc sắt gõ thật nhẹ lên sàn xe và cẩn thận lắng nghe âm thanh. Nếu tiếng phát ra trầm và chắc thì là xe tốt, còn ngược lại, nếu âm thanh phát ra mỏng và vang thì nghĩa là xe đã chạy nhiều.
Nhấc toàn bộ thảm và gõ nhẹ vào sàn xe để đánh giá mức độ chắc chắn của khung gầm
Bên cạnh đó, khi kiểm tra gầm, người mua cũng nên lưu ý đến lớp sơn bên ngoài. Nếu sơn quá cũ, trầy xước nhiều thì đương nhiên là do tần suất sử dụng cao. Còn nếu lớp sơn quá mới so với sơn ngoại thất của xe thì bạn cũng nên đặt nghi vấn về việc chiếc xe đã được đưa đến xưởng “mông má” lại để bán với giá cao hơn.
Kiểm tra động cơ
Theo những kinh nghiệm mua xe ô tô cũ được nhiều người tin cậy, cách tốt nhất để đánh giá tình trạng động cơ xe chính là lái thử. Theo bí quyết lái thử ô tô cũ, để kiểm tra nhanh và đơn giản nhất, bạn chỉ cần thử nổ máy, đề vài lần, lắng tai nghe tiếng máy nổ. Xe tốt có tiếng máy nổ êm, không có tiếng gõ hoặc tiếng nổ khác. Với một chiếc xe ít sử dụng, chất lượng xe sẽ rất tốt, máy chạy êm ái và không phát ra các âm thanh lạ như tiếng rít gió hay tiếng lạch cạch. Xe thường chạy êm như mới, các bộ phận như phanh, ga, cần số… đều khá mượt và ít độ “rơ”.
Chạy thử vào đường bê tông để kiểm tra độ ồn của xe. Đi vào đường đường dằn xóc để kiểm tra khung gầm và đi trên đường cao tốc để thử cân bằng xe. Trong trường hợp không thể kiểm tra đầy đủ trên 3 dạng địa hình này, bạn đi trên địa hình sẵn có (cố gắng chọn địa hình hỗn hợp) từ 3 đến 10 kilomet để kiểm tra độ bền kết cấu của xe cũng như kiểm tra thêm về động cơ xe.
Để xác định xem xe ô tô cũ có chạy nhiều hay không, còn một mẹo đơn giản nhất chính là thử nhiệt động cơ, nghĩa là đánh giá mức nhiệt tỏa ra khi động cơ chạy. Để thực hiện cách này, người mua tiến hành khởi động máy xe và để máy nổ trong khoảng thời gian 10 phút (lưu ý không sang số và không dùng máy lạnh) rồi nhìn vào kim đồng hồ báo nhiệt độ trên bảng táp lô.
Đèn báo nhiệt độ nước làm mát động cơ trong xe ô tô
Trên bảng này có chia vạch từ C tới H. Một chiếc xe ô tô ít sử dụng, máy còn tốt thì khi mới khởi động, kim đồng hồ báo nhiệt chỉ gần C, sau đó nhích dần lên đến khoảng giữa C và H. Khi kim đạt điểm vị trí này, nó xê dịch không đáng kể. Ngoài ra, để chắc chắn bạn có thể tiến hành kiểm tra trực quan bằng cách đặt tay lên gần khu vực máy để cảm nhận. Nếu xe ít sử dụng thì lượng nhiệt tỏa ra rất ít và máy xe thường chỉ hơi ấm, còn ngược lại, nếu động cơ ô tô bị nóng thì nghĩa là xe chạy rất nhiều và máy xe đã xuống cấp.
Tuy nhiên, khi áp dụng cách kiểm tra động cơ khi mua xe ô tô cũ này thì bạn cần lưu ý đến vài yếu tố. Thứ nhất là xe cũ máy dầu thường có lượng nhiệt tỏa ra cao hơn máy xăng và tùy từng hãng xe khác nhau mà nhiệt lượng động cơ cũng sẽ có chênh lệch nhẹ. Vì vậy, trước khi kiểm tra xe cũ thì bạn nên đánh giá ở những chiếc xe mới cùng mẫu để có được cảm nhận chính xác nhất.
Trên đây là tất cả những chiêu nhận biết một chiếc xe ô tô cũ trải qua thời sử dụng nhiều hay ít. Nếu bạn là người lần đầu mua xe ô tô cũ, bạn có thể nhờ thêm những người sử dụng xe lâu năm hoặc các thợ xe đi cùng để hỗ trợ kiểm tra. Các “chuyên gia” về xe này sẽ giúp bạn có được những tư vấn chính xác và hợp lý về tình trạng, chất lượng, cũng như giá cả của chiếc xe.
Anh Vũ
Comments